Giảm áp lực nhờ công nghệ

- Thứ Năm, 08/07/2021, 06:18 - Chia sẻ
Giải pháp công nghệ chính là một trong ba mũi tấn công phòng, chống dịch Covid-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra khi thực hiện chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công. Trong đó, việc khai báo y tế điện tử là giải pháp công nghệ phục vụ truy vết, kiểm soát an toàn Covid-19. Hiện có 3 ứng dụng khai báo y tế điện tử có cơ sở dữ liệu dùng chung nhưng thực tế tại nhiều địa phương, mỗi tỉnh lại lập vài chốt kiểm soát, yêu cầu khai báo y tế bằng giấy gây nhiều bất tiện cho người dân.

Thực tế, nhiều lái xe liên tỉnh phải khai báo y tế hàng chục lần, qua mỗi tỉnh, thậm chí là qua mỗi huyện lại phải khai báo y tế lại từ đầu bằng bản giấy. Công tác khai thác khai báo y tế bằng giấy sẽ rất khó khăn, rất mất thời gian, thậm chí thất lạc giấy tờ cho việc truy vết, tìm kiếm thông tin. Trong khi khai báo y tế điện tử chỉ khai một lần và nếu có thêm thông tin chỉ cần cập nhật trên hệ thống. Với thao tác đơn giản, người dân chỉ cần quét điện thoại chứa mã QR khi đi qua các điểm kiểm soát, còn cơ quan chức năng khi cần truy vết sẽ đọc ra ngay được lịch trình của người dân.

Vậy nhưng, những ngày qua, tại nhiều tỉnh miền Trung, người đi đường phải mất hàng giờ đồng hồ mới trình được tờ khai y tế, do phương tiện vận tải xếp hàng chờ đợi hàng km để chờ đến phiên. Điều này khiến giao thông liên tục ùn ứ, mệt mỏi cho cả người lưu thông cũng như lực lượng tiếp nhận khai báo. Thậm chí, nhiều nơi dù đã khai mã QR nhưng vào tỉnh nào đó có khi lại phải ra trung tâm y tế gần nhất thực hiện quy trình này một lần nữa. Nếu chu kỳ này lặp lại đều đặn, không chỉ việc truy vết khó khăn, người dân mất nhiều thời gian không cần thiết mà lực lượng chức năng cũng sẽ bị phân tán lực lượng dẫn tới quá tải trong cuộc chiến trường kỳ dai dẳng với dịch bệnh.

Cuộc chiến chống Covid-19 đã vào một giai đoạn mới cam go hơn trước. Để giảm tải sự vất vả của lực lượng tuyến đầu, rất cần áp dụng các giải pháp công nghệ. Nhưng các giải pháp công nghệ sẽ tự thân không thể giúp phòng, chống dịch nếu không có sự tự giác của mỗi người dân và sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương. Việc khai báo y tế chắc chắn còn phải áp dụng lâu dài trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do vậy, việc áp dụng tờ khai y tế khác biệt và phương thức kiểm tra giữa các địa phương chưa thống nhất cần phải được khắc phục để việc khai báo được thực chất, nhanh chóng, dễ quản lý hơn.

Đặc biệt, cần nhanh chóng hoàn thiện sự liên thông thông tin khai báo y tế giữa các cấp. Cách đây không lâu, vụ việc vợ chồng bệnh nhân 3634 (cựu Giám đốc Hacinco) có khai báo y tế trước khi lên máy bay từ Đà Nẵng về Hà Nội, nhưng khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô đã không khai báo tiền sử dịch tễ, đi lại; bệnh viện không cập nhật được thông tin trước đó khiến khoa Cấp cứu của bệnh viện bị phong tỏa khi 2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 khiến nhiều người nghi ngại. Phải chăng việc kết nối thông tin về dữ liệu khai báo y tế giữa các bên không hiệu quả?

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần xây dựng kho dữ liệu khai báo y tế quốc gia. Kinh nghiệm từ Đà Nẵng cho thấy, hành trình truy vết thần tốc các F và khoanh vùng đối tượng cho kết quả tốt, trong đó có nguồn rất hữu ích từ kho dữ liệu khai báo y tế trước đó. Toàn bộ nguồn dữ liệu từ hệ thống các bệnh viện, trung tâm y tế, toàn bộ thông tin khai báo y tế trực tiếp của người dân, nhân viên y tế… liên tục được đẩy lên kho dữ liệu chung của toàn thành phố. Qua kho dữ liệu này, giúp thành phố tầm soát những đối tượng có liên quan, với đầy đủ thông tin để kết nối liên lạc. Nếu có một kho dữ liệu chung trên toàn quốc như vậy, việc truy vết kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương sẽ thống nhất, xuyên suốt, tránh mỗi nơi một kiểu.

Duy Anh