Giảm 5% thuế VAT tương đối khó

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 06:52 - Chia sẻ
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, có ý kiến đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 5% để kích cầu tiêu dùng, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng giải pháp này tác động rất lớn tới ngân sách nên Chính phủ cần cân nhắc kỹ.
Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

TS. CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển:

Thuế VAT có thể giảm 2 - 3%

Giảm thuế VAT sẽ kích cầu tiêu dùng ở các ngành, giảm bớt khó khăn cho người dân và giúp doanh nghiệp tăng doanh thu. Tuy nhiên, với đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, Chính phủ phải hết sức cân nhắc!

Theo tính toán của tôi và cộng sự, chỉ cần giảm 1% thuế VAT trên toàn quốc thì nguồn thu ngân sách sẽ giảm 38 - 40 nghìn tỷ đồng. Nếu giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%, ngân sách sẽ hụt thu 180 - 200 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, dưới góc nhìn của tôi, giảm 5% thuế VAT là tương đối khó vì sẽ tác động rất lớn tới ngân sách. Thay vào đó, có thể đề xuất giảm 2 - 3% để nguồn thu ngân sách không quá thâm hụt. Nói chung, Chính phủ phải cân đối nguồn lực của ngân sách để có hỗ trợ phù hợp và cũng cần kết hợp với nhiều giải pháp khác như giảm lãi suất cho vay, nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ…

TS. TÔ HOÀI NAM, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

“Thiệt” nhất là ngân sách!

Dịch bệnh đang ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, đối tượng, nếu miễn giảm được bất kỳ loại thuế nào cũng mang lại 2 ý nghĩa quan trọng. Về mặt tinh thần, đây là sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trong lúc khó khăn. Về mặt kinh tế, giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí cho mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp; đồng thời giúp doanh nghiệp, người dân tích lũy được nhiều hơn.

Chính sách này được ban hành thì “thiệt” nhất là ngân sách nhà nước. Quá trình triển khai nếu đáp ứng được sự công bằng về thủ tục và đối tượng áp dụng sẽ không có gì bất cập.

Trong giai đoạn hiện nay, đây là giải pháp có tính thực tế cao. Tuy nhiên, việc kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp lúc này cũng rất cần thiết bởi mỗi doanh nghiệp tương thích với một chính sách khác nhau. Ví dụ, doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng lợi nhuận không nhiều thì việc giãn, giảm các loại thuế sẽ tạo điều kiện cho họ. Còn doanh nghiệp không có nguồn thu hoặc gần như phải tạm dừng hoạt động thì cho họ vay vốn ưu đãi để duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế:

Chưa phải giải pháp hữu hiệu nhất

Chính sách giãn, giảm thuế có thể hữu hiệu trong một nền kinh tế đang hoạt động và phát triển bình thường vì nó khuyến khích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế đang co cụm và bị tổn thương như hiện nay thì đó chưa phải là công cụ hỗ trợ mạnh nhất. Nhiều doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, nhưng việc giảm thuế VAT có lợi cho người tiêu dùng cuối cùng nhiều hơn là doanh nghiệp.

Ngay lúc này cần chính sách hỗ trợ trực tiếp như xây dựng các gói hỗ trợ để nguồn tiền đến tay doanh nghiệp và người dân sớm nhất có thể. Khi dịch bệnh đã được khống chế, hoạt động kinh doanh ổn định trở lại thì chính sách giãn, giảm thuế này mới phát huy được hết tính hiệu quả.

Dù giảm thuế VAT xuống còn 5% không phải là giải pháp hữu hiệu nhất trong lúc này, tuy nhiên nếu Chính phủ có thể cân đối được ngân sách thì vẫn nên xem xét. Bởi giảm thuế VAT sẽ phần nào khuyến khích tiêu dùng ở mọi ngành hàng và giúp doanh nghiệp vượt qua được khoảng thời gian khó khăn này.

Minh Trang