Tái giám sát các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Giải trình rõ trách nhiệm

- Thứ Tư, 07/04/2021, 07:01 - Chia sẻ
Tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đánh giá: Công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận còn một số tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, có rất nhiều ô đất "vàng" bị để không trong nhiều năm mà không được đưa vào sử dụng gây lãng phí lớn.

Đất "vàng" bỏ hoang

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết: Qua rà soát, trên địa bàn quận hiện có 48 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất đang chậm triển khai. Trong số này, 36 dự án đã được Sở TN - MT thanh tra, kiểm tra. Hiện, 7 dự án với tổng diện tích 610.329m2 đã thực hiện GPMB nhưng còn vướng mắc về thủ tục, hồ sơ pháp lý; 5 dự án đã được chủ đầu tư đã xây dựng công trình, đưa vào dự án vào hoạt động... Đối với 12 dự án được chấp thuận đầu tư, chưa được giao đất, cho thuê đất, hiện có 6 dự án chưa liên hệ với UBND quận để thực hiện GPMB; 2 dự án đã thực hiện xong GPMB nhưng chưa được giao đất... "12 dự án trên đang được Sở KH - ĐT tổng hợp, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư để tiếp tục hoàn thành GPMB, hoàn thiện hồ sơ pháp lý trình UBND thành phố giao đất, cho thuê đất" - ông Nguyễn Quốc Nam cho biết.

	Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà kiểm tra thực tế tại dự án khách sạn Hoa Sen (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm).
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà kiểm tra thực tế tại dự án khách sạn Hoa Sen (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm).

Thẳng thắn nhìn nhận, nhiều dự án trên địa bàn đang chậm tiến độ so với yêu cầu thành phố đặt ra, Phó Chủ tịch UBND quận cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu do công tác GPMB, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn; giá đất bồi thường còn nhiều bất cập khiến một số hộ dân chậm phối hợp thực hiện... "Đáng chú ý, một số nhà đầu tư có nguồn lực, năng lực hạn chế, chưa tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai", Phó Chủ tịch UBND quận nhận định.

UBND quận Nam Từ Liêm kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư gia hạn, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định; tiếp tục kiểm tra, giám sát đối với các dự án không liên hệ với chính quyền địa phương để GPMB... "Riêng với những trường hợp các dự án không đủ điều kiện thì xem xét thu hồi để có phương án sử dụng vào mục đích khác phù hợp quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Nguyễn Quốc Nam đề xuất.

Qua khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của quận và các sở, ngành liên quan, Đoàn Giám sát nhận định, việc triển khai các dự án tại quận Nam Từ Liêm sau khi có kết luận giám sát và đến nay là lần tái giám sát thứ hai, dù có chuyển biến nhưng chưa nhiều; phần lớn dự án vẫn đang trong quá trình rà soát, chủ yếu chỉ chuyển biến “trên giấy”. Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Văn Nga, dù quận đã chỉ đạo, thanh tra, kết hợp đôn đốc kiểm tra các dự án của từng ngành nhưng vẫn chưa có động thái tích cực, chủ động ngay sau khi phát hiện các sai phạm. Điển hình như: Dự án Trung tâm dạy nghề Cửu Long (cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 2011, năm 2021 hết thời hạn), đến nay, đã qua hai lần điều chỉnh song vẫn chưa hoàn thành.

Còn Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho rằng: Phần lớn dự án trên địa bàn đều được chấp thuận chủ trương đầu tư cách đây trên 10 năm nhưng đến nay vẫn còn hơn 30 dự án chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Chỉ rõ chủ đầu tư vi phạm để có hướng xử lý sớm

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là đợt tái giám sát quan trọng của Thường trực HĐND thành phố vì lĩnh vực đất đai, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là vấn đề khó, được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều; nhất là tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Thực tế, lĩnh vực này, HĐND thành phố đã giám sát, chất vấn nhiều lần song chuyển biến rất chậm.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố ghi nhận và đánh giá, thời gian qua, quận Nam Từ Liêm đã có nhiều cố gắng thực hiện chỉ đạo của thành phố trong quản lý đất đai nói chung, quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách nói riêng. Quận cũng chủ động rà soát đối với 48 dự án chậm triển khai trên địa bàn. Qua đó, phân chia, bóc tách từng dự án theo các nhóm nguyên nhân chậm triển khai, vi phạm để theo dõi, quản lý; đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện 5 dự án, đề nghị đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai...

Tuy nhiên, UBND quận vẫn chưa chỉ rõ được những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình quản lý để xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan đến tình trạng dự án chậm triển khai. Đáng lưu ý, tại thời điểm HĐND thành phố giám sát vào năm 2018, trên địa bàn quận có 48 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai thì đến nay, theo báo cáo vẫn còn 43 dự án. "Đây đều là những dự án nằm trong những "ô đất vàng" của quận. Trong khi đó, Nam Từ Liêm lại là quận có tốc độ đô thị hóa thuộc nhóm nhanh nhất thành phố. Do đó, quận cần có giải trình về trách nhiệm khi để xảy ra lãng phí tài nguyên đất", Phó Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.

Để giải được "bài toán" đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm triển khai, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị: Quận phải phối hợp chặt với các sở, ngành thành phố để có đề xuất, kiến nghị nhằm khắc phục, tháo gỡ. Đồng thời, cần công khai, minh bạch các dự án đang triển khai trên địa bàn để Nhân dân biết và giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án đã được duyệt... “Không thể chờ đến khi có kết luận thanh tra, kiểm tra mới có kiến nghị với thành phố, quận cần chủ động quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đặc biệt, cần chỉ rõ tên chủ đầu tư có dự án chậm, vi phạm để thành phố có hướng xử lý sớm”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Về phía các sở ngành, Đoàn Giám sát đề nghị, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra chuyên ngành của sở; kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý các trường hợp chây ì, các vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ... 

Bài và ảnh: PHI LONG