Giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65). Với nhiều quy định mới, Nghị định được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ khó cho các nhà phát hành, khai thông dòng vốn từ kênh huy động này.
Gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp
“Với tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng qua, Nghị định 65 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp, tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu”, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro tín dụng, FiinRatings, bình luận.

Làm rõ hơn tác động của Nghị định 65, đại diện nhóm nghiên cứu của FiinRatings cho rằng, Nghị định bổ sung điều kiện doanh nghiệp chào bán riêng lẻ phải đăng ký lưu ký tại Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán. Nghị định cũng ấn định thời gian vận hành của hệ thống lưu ký và giao dịch là giữa năm 2023.
“Đây là nỗ lực đúng đắn để quản lý hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành một thị trường giao dịch có tổ chức, có bài bản, từ đó có thể kiểm soát được từ đầu đến cuối quy trình phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tập trung lưu ký tại VSD cũng sẽ giúp quản lý tốt hơn, nhất là trong công tác xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như bảo đảm quyền lợi của họ. Việc thành lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ lành mạnh hóa hoạt động phân phối trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế các hành vi chào bán tràn lan, vi phạm quy định”, đại diện FiinRatings chia sẻ.
Mặt khác, Nghị định 65 không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải bảo đảm đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin. Theo các chuyên gia, đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu.
Mặc dù dự báo Nghị định 65 phần nào giúp giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường trong thời gian tới song các chuyên gia cho rằng, thị trường cần có đủ thời gian để làm quen với quy định và khẩn trương thực hiện các hoạt động phát hành nhằm đáp ứng nhu cầu vốn. Do đó, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ chỉ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn
Một trong những điểm mới của Nghị định số 65 là nâng cao tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư chuyên nghiệp bên cạnh việc nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỷ đồng (không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại) còn cần phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận. Đồng thời, nhà đầu tư còn phải ký văn bản xác nhận được tiếp cận đầy đủ thông tin của doanh nghiệp phát hành, hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu, các rủi ro phát sinh.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, một trong những rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích song vẫn cố tình đầu tư. Do vậy, quy định này sẽ hạn chế nhà đầu tư không chuyên nghiệp tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp, qua đó hạn chế rủi ro.
Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tùng Anh cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp trong 7 tháng năm 2022 ghi nhận 46,14% nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng, 22,43% là các công ty chứng khoán, trong khi đó nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ chiếm 10,11% tổng giá trị mua. Dù vậy, dữ liệu của thị trường thứ cấp lại cho thấy số lượng trái phiếu doanh nghiệp được nắm giữ bởi các cá nhân lên tới 32,6%, chủ yếu nhờ vào các giao dịch mua trung gian với công ty chứng khoán. “Có thể thấy, thị trường đang tồn tại hiện tượng môi giới chứng khoán mời gọi nhà đầu tư cá nhân không chuyên đầu tư vào các lô trái phiếu doanh nghiệp như một dạng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao”.
Để kiểm soát rủi ro trước tình trạng trên, Nghị định 65 siết quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này sẽ giảm khả năng gian lận thông qua tài khoản vay ký quỹ, hợp đồng ủy thác/góp vốn đầu tư…”.
Song song với các quy định kiểm soát trên, nhà đầu tư cá nhân cũng được bảo vệ quyền lợi từ nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành. Cụ thể, đối với nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sở hữu trái phiếu doanh nghiệp đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên có quyền thông qua việc doanh nghiệp thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu; có quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu nếu đơn vị này vi phạm các điều kiện được nêu nhưng không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được chấp thuận. Rõ ràng, dù điều kiện xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp trở nên nghiêm ngặt hơn trước, nhưng bù lại nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được bảo vệ nhiều hơn.