Giải thưởng chỉ là cái ban đầu

Lê Thủy ghi 13/09/2015 08:28

“Trong lĩnh vực âm nhạc, giành giải thưởng chỉ là cái ban đầu, như tấm bằng để bước vào sự nghiệp nghệ thuật. Con đường nghệ thuật rất dài, các em cần có thời gian để khẳng định vị trí của mình” - NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ nhân Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ III diễn ra từ ngày 4 - 11.9 mà ông là Chủ tịch danh dự.

Cạnh tranh mạnh mẽ

- Với vai trò Chủ tịch danh dự của Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ III, ông đã làm gì để thu hút sự chú ý của quốc tế đối với cuộc thi?

- Tôi chủ yếu chuẩn bị cho cuộc thi, như lên chương trình, mời giám khảo, cố vấn nghệ thuật. Về truyền thông quảng bá cuộc thi ra quốc tế, có thể nói rất khó. Số lượng cuộc thi quốc tế về piano càng ngày càng tăng, cách đây vài năm là 600, nay đã lên tới hàng nghìn, nên có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Thu hút được nhiều thí sinh tài năng là thành công của cuộc thi. Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội có giá trị giải thưởng chỉ mức trung bình kém. Ngay cả giám khảo cũng đến Việt Nam với lòng nhiệt tình là chính và hỗ trợ quảng bá cho cuộc thi… Tuy nhiên, bằng mọi cách, tôi đã cố gắng đưa cuộc thi trở thành thành viên Alink Argerich Foudation và được giới thiệu trên website www.alink-argerich.org.

- Tại cuộc thi năm nay, ông ấn tượng đặc biệt với tài năng nào của Việt Nam?

- Tôi chú ý theo dõi các em đoạt giải lần trước phát triển ra sao. Bởi trong âm nhạc, giành giải thưởng chỉ là cái ban đầu, như tấm bằng để bước vào sự nghiệp nghệ thuật. Con đường nghệ thuật rất dài, các em cần có thời gian để khẳng định vị trí của mình, cả trong và ngoài nước. Ví dụ, Lưu Hồng Quang (giải Ba bảng C năm 2010), Vũ Đức Mạnh Vincent (người Canada gốc Việt - giải Nhì bảng A cùng năm), tình cờ hai em đang học tôi ở Đại học Montréal, Canada. Có thể nói, các em tiêu biểu cho giới trẻ trình diễn piano của Việt Nam. Quang vừa đạt giải Nhì cuộc thi Euregio Piano tại Đức, còn Mạnh trình diễn với nhiều dàn nhạc nổi tiếng của Nga, đầu tháng 10 sẽ trình diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Với các tài năng của cuộc thi lần này, tôi sẽ quan sát các em tiến bộ ra sao trong vài năm tới.

- Có thể nói, Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội đã chắp cánh cho nhiều tài năng piano trẻ của Việt Nam, nhưng duy trì cuộc thi không dễ, thưa ông?

- Tôi mong muốn cuộc thi tồn tại. Việc này nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng cực kỳ vất vả. Cuộc thi nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các cá nhân, do vậy tìm được người tài trợ và thuyết phục họ tiếp tục đồng hành rất khó. Tôi muốn kêu gọi thêm những người hào phóng và có khả năng giúp đỡ, bởi đây là dịp tốt để thí sinh Việt Nam học hỏi bạn bè nước ngoài.

Đăng Quang và Phương Vi nhận giải Nhất bảng B
Đăng Quang và Phương Vi nhận giải Nhất bảng B

Muốn mở trại hè âm nhạc tại Việt Nam, nhưng...

- Có một thực tế là trong Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội, thí sinh Việt Nam thường mạnh ở bảng nhỏ tuổi, nhưng lên tới bảng B, C lại tỏ ra yếu thế hơn thí sinh quốc tế…?

- Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội có 3 bảng chia theo lứa tuổi. Số lượng thí sinh quốc tế tương đối ổn định, chiếm 20% tổng số thí sinh tham dự. Thế mạnh của thí sinh Việt Nam là bảng A (10 - 13 tuổi), nhiều em có tài năng, giành được nhiều giải thưởng. Nhưng ở bảng B (14 - 17 tuổi), bảng C (18 - 25 tuổi) có khoảng cách khá lớn giữa thí sinh trong và ngoài nước, do trình độ biểu diễn ngày càng phức tạp, đòi hỏi chương trình giảng dạy phải đi theo một cách đồng bộ, nhưng Việt Nam chưa theo kịp. Có lẽ phải làm cuộc cách mạng thay đổi chương trình giảng dạy.

Hơn nữa, âm nhạc cần sự yên lặng, trong khi Việt Nam khá thừa dư tạp âm, khiến các em mất tập trung. Ở nước ngoài, khi đã vào học thì không có điện thoại, không nói chuyện, nhưng ở Việt Nam, điều này đã thành nếp, khó sửa... Hay ở nước ngoài, lớp master class của những thầy nổi tiếng thường phải trả tiền rất cao, trong khi ở Việt Nam có thầy giỏi sang giảng dạy miễn phí nhưng lại ít được quan tâm. Hiện nay nhiều em tham gia trại hè âm nhạc ở nước ngoài, là dịp tốt để các em biết thế nào là chân giá trị. Trại hè nhiều khi quan trọng hơn một cuộc thi, vì là cơ hội để các em nâng tay nghề.

- Ông có nghĩ tới việc mở trại hè âm nhạc tại Việt Nam không?

- Ngoài việc giảng dạy ở Đại học Montréal, tham gia các lớp master class, trại hè, mỗi năm tôi làm giám khảo 2 - 3 cuộc thi, riêng năm nay 4 cuộc thi. Tôi cũng vừa có một mùa hè nóng bỏng với 4 trại hè ở Mỹ, Canada, Nhật Bản và Ba Lan. Với Việt Nam, tôi rất muốn tổ chức trại hè âm nhạc, nhưng chưa thể thực hiện được. Tôi thấy Việt Nam có nhiều nơi lý tưởng để tổ chức trại hè, như Nha Trang, Hạ Long… nhưng cần số tiền lớn, ai sẽ tài trợ? Giảng dạy là chuyện tôi có thể làm, còn sự tháo vát để tổ chức trại hè là số 0. Tôi rất muốn cộng tác với ai đó để tổ chức chương trình này.

- Xin cảm ơn ông!

Giải thưởng chỉ là cái ban đầu ảnh 2“30 năm trước, Việt Nam tự hào hơn các nước trong khu vực ở lĩnh vực nhạc cổ điển, nhưng thời thế thay đổi nhanh chóng, nhiều quốc gia giờ đã vượt chúng ta. Thậm chí, khoảng cách hiện nay so với khi tôi đạt giải Chopin (hơn 35 năm) vẫn còn khá xa. Sự vươn lên của thế hệ trẻ ngày càng khó khăn, bởi sự cạnh tranh ghê gớm từ bên ngoài.

Hiện nay, không chỉ giúp các em ở trong nước, tôi còn mời một số em có khả năng sang Canada, nơi tôi đang dạy. Trong 3 lần tổ chức Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội, tôi có giải thưởng riêng dành cho thí sinh Việt Nam đạt thành tích cao nhất mỗi bảng, mỗi giải 1.000 USD, nhưng tôi đang muốn chuyển sang dạng học bổng”.

NSND Đặng Thái Sơn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giải thưởng chỉ là cái ban đầu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO