Quy định rõ ràng, bảo đảm thuận lợi trong thực hiện
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.
Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn và giữa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần; đồng thời, quy định rõ các nội dung tại quy hoạch chung được cụ thể hóa tại quy hoạch phân khu, các nội dung tại quy hoạch phân khu được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
Mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017. Theo đó, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Liên quan đến nội dung này, Chính phủ đã có Tờ trình số 513/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Quy hoạch năm 2017 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, trong đó quy định rõ quy hoạch đô thị và nông thôn là “quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đây là nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý hai dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa hai dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, tại Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng giải trình, báo cáo rõ về tiếp thu, hoàn thiện quy định về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung (Điều 7); về bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 8); quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20); thời hạn lập quy hoạch phân khu đô thị (Điều 23)...
Cân nhắc bổ sung khái niệm “siêu đô thị” vào dự thảo Luật
Cho ý kiến về dự thảo Luật, các ĐBQH đều đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, đáp ứng tốt đòi hỏi của thực tế, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nhắc bổ sung khái niệm "siêu đô thị" vào dự thảo Luật. Nêu lý do của đề nghị này, đại biểu cho biết, hiện nay ở nước ta đã có thành phố thuộc thành phố, không dừng lại ở thành phố trực thuộc tỉnh như trước đây, nhưng cách gọi tên thành phố thuộc thành phố này lại dễ gây nhầm lẫn.
Dẫn kinh nghiệm trên thế giới đang có nhiều quốc gia sử dụng khái niệm siêu đô thị với những thành phố có một số thành phố “con” trực thuộc, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, bên cạnh bổ sung khái niệm “siêu đô thị” vào Điều 2 của dự thảo Luật thì cũng cần bổ sung loại hình siêu đô thị này vào Điều 4 về loại đô thị và đơn vị hành chính, bỏ loại hình đô thị đặc biệt được quy định tại điều này. Như vậy, khi những thành phố có thành phố “con” trực thuộc sẽ được tự động nâng lên thành siêu đô thị, đại biểu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) lưu ý, tại khoản 3 Điều 6 của dự thảo Luật quy định đối với các đô thị lớn, các khu vực phát triển mới, khu vực tái thiết đô thị khuyến khích phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng, khai thác quỹ đất để thực hiện xây dựng khu vực đầu mối đường sắt đô thị kết hợp với việc phát triển, tái thiết đô thị.
Do vậy, đại biểu đề nghị, cần bổ sung vào Điều 2 của dự thảo Luật để giải thích khái niệm về đô thị lớn, siêu đô thị, từ đó giúp dự thảo Luật có phân cấp đô thị đầy đủ, phù hợp với sự vận động của thực tiễn hơn.
Đối với khái niệm đô thị và nông thôn, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, khoản 1 và khoản 3, Điều 2 giải thích hai khái niệm này dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… Theo đại biểu, việc giải thích khái niệm như trên sẽ gây vướng mắc. Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỷ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.
Tại Điều 8, dự thảo Luật quy định việc phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng cấp độ, khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện. Theo ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng), quy định như trên sẽ làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch; quy hoạch cấp cao hơn phải được lập trước làm cơ sở cho quy hoạch cấp thấp hơn.
Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Từ những bất cập trong thực tiễn lập quy hoạch hiện nay, các ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Mai Văn Hải (Thanh Hóa), Dương Văn Phước (Quảng Nam)… cũng đề nghị dự thảo Luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… nhằm tạo không gian phát triển tốt cho địa phương.
Trong đó, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, cần tháo gỡ những khó khăn, tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch bauxite hiện nay như dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để việc thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn tại Luật này được đồng bộ và thực sự tạo động lực phát triển.
Tán thành việc dự thảo Luật giữ quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương có cả quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, trong dự thảo Luật phải phân định rõ ràng. Trong đó, quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực...
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tại Điều 20 phải quy định theo hướng cụ thể hóa những nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng, chứ không phải là định hướng. Thậm chí, ở những khu vực nào không có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ ranh giới của các yếu tố này để cắm mốc giới; khu vực nào có khu vực phân khu cần xác định vị trí, thì quy hoạch phân khu xác định mốc giới.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình, làm rõ về nhiều nội dung của dự thảo Luật được các ĐBQH quan tâm cho ý kiến.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên họp, các ĐBQH đã tham gia nhiều ý kiến hết sức cụ thể và xác đáng để hoàn thiện dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; phạm vi đô thị và nông thôn; giải thích từ ngữ; quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch chung xã, quy hoạch không gian ngầm; thời hạn và các thời kỳ quy hoạch; tính thống nhất, đồng bộ với các luật, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Phát huy dân chủ ở cơ sở, Luật Quy hoạch và Luật Thủ đô; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; nguyên tắc xử lý các trường hợp có mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương…
“Các ý kiến của ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, cũng như chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.