Mức sinh rất thấp
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trung phát biểu, cùng với cả nước, ngành dân số TP. Hồ Chí Minh đã bắt tay thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số cho người dân từ rất sớm và đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý như: chủ động khống chế được tốc độ gia tăng dân số, mức sinh thay thế được duy trì trong 16 năm qua; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh... đây là những tiền để rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh cũng cho hay, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của TP. Hồ Chí Minh đến cuối năm 2022 là 0,72%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,72%. Nhìn chung, quy mô dân số thành phố tăng chậm, hiện toàn thành phố có 9.389.717 người. Riêng mức sinh của thành phố hiện ở mức rất thấp. Năm 2022 số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1.39 con/người. Số liệu này cho thấy mức sinh của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục suy giảm. So với năm trước đó, năm 2021 là 1,48 và năm 2020 là 1,53.
Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn nằm trong nhóm những tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Đặc biệt, hơn 20 năm qua, tỷ suất sinh của thành phố đều thấp hơn mức sinh thay thế mà Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con/một mẹ). Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi ở TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng tăng. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2022, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của thành phố là 1.033.355 người, chiếm tỷ lệ 11,03%. Những số liệu này cho thấy TP. Hồ Chí Minh đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số.
Mức sinh thấp kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Đồng thời, dù tình trạng mất cân bằng giới tính đang được kiểm soát nhưng nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp can thiệp hiệu quả thì tỷ số giới tính khi sinh vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới. Nói cách khác, vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số tác động trực tiếp đến “số lượng dân số”, làm suy giảm nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Người dân cùng chung tay
Để có thể giải quyết được các vấn đề cấp thiết của công tác dân số của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới nhằm ổn định quy mô, cơ cấu dân số của Thành phố, góp phần tăng trưởng kinh tế, tác động đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn lực cho sự phát triển trong tương lai, đại diện ngành dân số thành phố cho rằng cần có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị và của tất cả người dân đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của TP. Hồ Chí Minh, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh mức sinh thấp và đang giảm ở mức cảnh báo, ngành dân số cần xem xét và điều chỉnh lại các hoạt động thích ứng với hiện tại, nỗ lực giải quyết tình trạng này. Theo đó, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con, góp phần cải thiện mức sinh của thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Ngoài ra, để thực hiện tốt kết quả công tác dân số, ngành dân số Thành phố cũng tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nhằm tác động tới nhận thức của người dân, góp phần điều chỉnh, ứng phó với mức sinh hiện đang rất thấp và giảm sâu của Thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm thực hiện tốt hơn pháp luật về chính sách dân số bảo đảm huy động đủ nguồn lực, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số.