Giải quyết thỏa đáng những vấn đề dân sinh bức xúc
Với tinh thần trách nhiệm và sự tập trung cao độ, tuy thời gian không nhiều nhưng phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười, HĐND quận Thanh Xuân, Hà Nội Khóa IV đã giải quyết thỏa đáng những vấn đề dân sinh bức xúc như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân; công tác quản lý nhà nước về y tế...
Sẽ giải quyết dứt điểm chợ cóc, chợ tạm
Là quận có mật độ dân cư đông, lượng tiêu thụ hàng thực phẩm thiết yếu lớn nên công tác quản lý và sắp xếp lại chợ đang là yêu cầu cấp bách hiện nay đối với quận Thanh Xuân. Đại biểu Nguyễn Kim Thúy cho biết, thời gian qua, các chợ trên địa bàn hoạt động rất lộn xộn; ngày càng xuất hiện nhiều chợ cóc, chợ tạm, nhất là các điểm nóng trên đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Quý Đức… trong khi đó, các chợ chính thống được xây dựng lại hoạt động không hiệu quả do lượng người bán và mua vào các chợ này không nhiều. Đây là vấn đề bức xúc, tồn tại trong nhiều năm… Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu đề xuất: việc họp chợ tạm, chợ cóc nên quy định hoạt động theo từng khung giờ nhất định cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh mặt đường, mặt phố nhằm đưa công tác quản lý trật tự đô thị vào nền nếp đạt mục tiêu đường thông hè thoáng, họp chợ đúng giờ và đúng quy định. Để việc quản lý và sắp xếp lại chợ có hiệu quả, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Vũ Cao Minh đề nghị: các ngành công thương, giao thông y tế cần bố trí đầy đủ, hợp lý các chợ, siêu thị đúng quy định, thuận tiện, bảo đảm vệ sinh, giá hợp lý để phục vụ người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tiêu dùng văn minh trong cộng đồng dân cư, vận động người dân không mua bán tại chợ cóc; công an các phường cần rốt ráo trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm không để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ngõ phố làm nơi buôn bán, kiên quyết giải quyết dứt điểm các chợ cóc, chợ tạm để tránh gây ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm.
Cấp giấy chứng nhận: khó cũng phải làm
Liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ chậm theo phản ánh của nhiều cử tri - một trong những vấn đề nóng hiện nay của quận, Phó chủ tịch UBND quận Đặng Hồng Thái cho biết: tính đến ngày 15.6, đã cấp 755 giấy chứng nhận; ước 6 tháng đầu năm cấp 800 giấy chứng nhận, đạt 22,85% chỉ tiêu Thành phố giao… Việc chậm cấp giấy chứng nhận QSDĐ là do hiện nay quận còn vướng mắc hàng nghìn hồ sơ, đang chờ ý kiến tháo gỡ từ các sở, ngành chức năng. Cái khó của các hồ sơ rất đa dạng và phức tạp do một số trường hợp nằm trong quy hoạch mở đường, có hồ sơ lại thuộc phạm vi dự án treo hoặc đang có khiếu kiện, tranh chấp... Cùng với đó, có cả những hồ sơ thuộc diện đất lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hay một số dạng vi phạm khác về đất đai, xây dựng hoặc đất có nguồn gốc cấp trái thẩm quyền... Mặc dù, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ đang là vấn đề khó, tuy nhiên Phó chủ tịch UBND quận Đặng Hồng Thái hứa sẽ đôn đốc ngành chức năng rốt ráo hơn trong việc hoàn thiện hồ sơ và cấp giấy cho các hộ. Ông Thái kiên quyết: khó cũng phải làm, vì từ nay đến cuối năm còn khoảng 2.700 giấy chứng nhận phải cấp, nếu không đẩy mạnh và tháo gỡ khó khăn cho công tác này thì không thể hoàn thành chỉ tiêu TP giao.
Gỡ khó cho công tác quản lý nhà nước về y tế
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về y tế, nhiều ý kiến cho rằng: việc quản lý công tác VSATTP và phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên địa bàn quận rất lỏng lẻo. Theo Phó trưởãng phòng Y tế quận Phạm Hồng Diệp, trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực VSATTP, không chỉ riêng của ngành y tế, mà cả ngành NN và PTNN, ngành công thương. Cụ thể, Nghị định 38 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải được cấp giấy chứng nhận ATTP. Song, Thông tư 26 của Bộ Y tế chỉ quy định cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai và một số mặt hàng khác và chưa quy định cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong khi đó, Bộ Công thương lại không phân cấp giấy chứng nhận ATTP xuống tuyến quận, phường; chưa có các quy định, thông tư hướng dẫn về cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở thực phẩm thuộc phạm vi quản lý… Trong khi chờ Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, UBND TP đã có văn bản số 4593 ngày 27.6.2013 giao cho Sở Y tế TP và UBND các quận, huyện thực hiện tạm thời cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… Để có sự thống nhất trong quản lý công tác VSATTP, đại biểu đề nghị: HĐND chỉ đạo UBND quận sớm ban hành quy định tạm thời cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn; chỉ đạo các phòng chuyên môn, các phường quản lý chặt chẽ cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm theo phân cấp, theo dõi quản lý các cơ sở theo từng ngành hàng, mặt hàng từ đó có kế hoạch kiểm tra giấy chứng nhận ATTP theo phân cấp quản lý (TP, quận, phường) để bảo đảm chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm phát triển, vừa bảo đảm hoạt động theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Với phòng, chống dịch bệnh, việc quản lý đối tượng trên địa bàn cũng là vấn đề nan giải. Tính đến hết tháng 5.2014, số ca mắc sốt phát ban nghi sởi là 352 trường hợp, trong đó có 76 ca xét nghiệm dương tính với sởi; tử vong do bội nhiễm sau sởi kết hợp bệnh mãn tính có sẵn 2 ca… Nguyên nhân do quận có mật độ dân số đông, trên địa bàn có nhiều người dân nhập cư từ nơi khác về thuê trọ; điều kiện sống tạm bợ dẫn đến tình trạng vệ sinh môi trường không bảo đảm, phức tạp; nhiều nơi hệ thống thoát nước kém, nước thải nhiều nơi còn chưa thông thoát là điều kiện thuận lợi cho sự lưu hành dịch bệnh hàng năm. Người dân thường xuyên trữ nước trong các dụng cụ không có nắp đậy hoặc thau rửa là cơ sở làm bùng phát dịch sốt xuất huyết… Trong khi đó, việc quản lý đối tượng tiêm chủng khó khăn do biến động dân cư trên địa bàn lớn, người dân không chủ động đăng ký do một số e ngại vì sợ tai biến sau tiêm chủng. Để giải quyết vấn đề này, Phó trưởãng phòng Y tế quận Phạm Hồng Diệp đề nghị HĐND chỉ đạo UBND quận, phường làm tốt công tác dự báo dịch, phát hiện sớm dịch tại cộng đồng, không để dịch lan rộng; tăng cường giám sát ổ dịch cũ, đánh giá nguy cơ để có biện pháp phòng, chống kịp thời. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa UBND các phường, hệ thống chính trị với người dân địa phương trong công tác phòng, chống các dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát. Cụ thể, chỉ đạo các phường thực hiện có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, diệt bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Các phường cũng cần phối hợp với Trung tâm y tế quận và Trung tâm Y tế dự phòng TP điều tra xác định trọng điểm để phun hóa chất hạ thấp mật độ muỗi gây bệnh. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền theo chiều sâu, cụ thể để người dân quan tâm, hợp tác phòng chống dịch; chú trọng tuyên truyền tại các trường học, gia đình về các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, đồ dùng, bảo đảm VSATTP nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống các dịch bệnh có khả năng gây dịch ở trẻ em như: sốt xuất huyết, chân tay miệng, thủy đậu, viêm não…
Phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười, HĐND quận Thanh Xuân Khóa IV khép lại nhưng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong mỗi đại biểu. Tại phiên họp, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được làm rõ và có hướng giải quyết, đáp ứng sự trông đợi của đông đảo cử tri và nhân dân trên địa bàn.