Chính trị

Giải quyết thất nghiệp từ "gốc rễ"

Thanh Hải - Trung Thành 07/05/2025 12:11

Gốc rễ của thất nghiệp là thiếu kỹ năng phù hợp với thị trường, đặc biệt các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, AI trong thời đại kỹ thuật số. Do đó, cần giải quyết từ gốc, có cơ chế khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng, tái định hướng nghề nghiệp, hoặc nâng cao kỹ năng thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm.

thi-thanh-a2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên hop. Ảnh: Hồ Long

Sáng 7/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Khuyến khích người lao động chủ động đăng ký lao động

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày.

Theo đó, dự thảo Luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Về tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (Điều 26), có ý kiến đề nghị quy định giá trần của dịch vụ đánh giá kỹ năng nghề làm cơ sở cho tổ chức đánh giá kỹ năng nghề định giá cung ứng dịch vụ và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính minh bạch, tránh trường hợp Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề tự định giá quá cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 26 thì tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia phải tự định giá và niêm yết giá cung ứng theo quy định pháp luật về giá.

Nếu quy định giá trần thì sẽ không bảo đảm yếu tố thị trường và không phù hợp với pháp luật về giá. Trong khi hiện nay có 52 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá kỹ năng nghề thực hiện việc đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cũng tự định giá và không có quy định về giá trần. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo Luật.

Làm rõ đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung từ các ý kiến đóng góp tại Kỳ họp thứ Tám, Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 7, bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, chính sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

Tại Điều 9 của dự thảo Luật quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh); người lao động.

DBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương)
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề nghị, cần làm rõ, quy định cụ thể và chi tiết hơn đối với đối tượng người lao động nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, giúp xác định cụ thể những ai được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai hoặc vận dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương, cơ quan.

Đại biểu cho biết, quy định thiếu chi tiết về đối tượng thụ hưởng đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những nhóm lao động có đặc thù khác biệt so với lao động truyền thống như: lao động tự do không có quan hệ lao động chính thức (không ký hợp đồng lao động), lao động hoạt động trong khu vực phi chính thức (buôn bán nhỏ lẻ, lao động gia đình không trả lương, thợ thủ công cá thể,...) và nhóm lao động trên các nền tảng số, nền tảng trực tuyến (như tài xế công nghệ, giao hàng công nghệ, người làm việc tự do online).

Thực tế triển khai các chương trình vay vốn chính sách thời gian qua đã cho thấy một rào cản lớn là việc xác định và chứng minh tình trạng lao động của các đối tượng này.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị bổ sung quy định các tiêu chí nhận diện linh hoạt, phù hợp với đặc thù công việc, như: xác nhận của tổ dân phố, tổ chức đoàn thể; hay căn cứ vào hồ sơ hoạt động nghề nghiệp như lịch sử giao dịch, hợp đồng dịch vụ với nền tảng số..; hoặc dựa trên kê khai trung thực và kiểm tra ngẫu nhiên của cơ quan chức năng.

DBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng)
ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng về nội dung này, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị xem xét quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… thì được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn; hoặc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để tránh việc chính sách bị lợi dụng.

Về đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn (khoản 2, Điều 9), đại biểu Bế Minh Đức nhận thấy, các hộ gia đình được xác định là hộ nghèo và cận nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn đều có đời sống khó khăn như nhau, có nhu cầu được tiếp cận về vốn lãi suất thấp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định.

Nguyễn Thị Xuân - Đăk Lăk
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Các ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị, bổ sung đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo và những hộ hoàn cảnh gia đình khó khăn được chính quyền địa phương ở nơi cư trú xác nhận.

DBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình)
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm lý giải, những đối tượng này luôn có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp để lo chi phí đi lao động nước ngoài hoặc tạo việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình. Việc có chính sách cho các đối tượng này được vay vốn với lãi suất thấp là hết sức cần thiết, giúp họ có nguồn tiền để đi lao động nước ngoài hoặc chủ động tự tạo việc làm, đảm bảo việc thoát nghèo được bền vững.

Phải giải quyết được "gốc rễ" là thiếu kỹ năng phù hợp với thị trường

Trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề, lực lượng lao động, ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) nhận thấy, dù đã có những chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề… cho người lao động thất nghiệp, nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp.

Lý anh Thư - Kiên Giang2
ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đại biểu, điều này mới đang giải quyết ở phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng, tái định hướng nghề nghiệp, hoặc nâng cao kỹ năng thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm mà không phải mất việc rồi mới học nghề. Và, cũng dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp mà không giải quyết được gốc rễ là thiếu kỹ năng phù hợp với thị trường, đặc biệt các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, AI trong thời đại kỹ thuật số.

Dẫn kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển đã chuyển từ “trợ cấp bị động” sang mô hình “đầu tư kỹ năng”, đại biểu Lý Anh Thư đề nghị, nghiên cứu bổ sung Điều 4 dự thảo Luật về chính sách của Nhà nước quy định “hỗ trợ người lao động tái đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; triển khai trợ cấp tái đào tạo trong thời gian người lao động học nghề, nâng cao kỹ năng; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật,…”

Với quy định này, đại biểu Lý Anh Thư kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng pháp lý để triển khai hiệu quả chính sách tái đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, từng bước giảm áp lực chi trả bảo hiểm thất nghiệp bằng cách tăng tỷ lệ quay trở lại thị trường lao động.

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh đã giải trình, tiếp thu về những nội dung tại dự thảo Luật được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc làm, giải quyết việc làm và người lao động đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Vì vậy, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) luôn nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và trong phiên họp sáng nay đã có 18 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, ngay sau phiên họp hôm nay, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện, chỉnh lý dự án Luật, sớm gửi tới các đại biểu Quốc hội để xem xét, thông qua dự kiến vào chiều ngày 11.6, ngày đầu tiên của đợt hai của kỳ họp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giải quyết thất nghiệp từ "gốc rễ"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO