Giải quyết chế độ thai sản khi đơn vị chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 1880/BHXH-CSXH ngày 21.6.2023 về việc thực hiện chế độ đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội.

Theo đó, các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội bao gồm: Đơn vị đang làm thủ tục phá sản; đơn vị đã có quyết định phá sản của tòa án; đơn vị không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật.
Việc thực hiện chế độ đau ốm, thai sản của người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội được giải quyết như sau:
Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với người lao động căn cứ thời gian thực đóng bảo hiểm xã hội đã được xác nhận.
Đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi, mang thai hộ: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau, thai sản (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền bảo hiểm xã hội) mà đủ 6 tháng trở lên sẽ áp dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Hoặc có thể theo khoản 2, Điều 9, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015; hoặc theo khoản 5, Điều 1, Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7.7.2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong trường hợp đóng đủ từ 3 tháng trở lên sẽ theo quy định tại khoản 3, Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Tuy nhiên phải đảm bảo căn cứ để xác định người lao động chưa hưởng chế độ thì cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết trợ cấp thai sản theo quy định tại thời điểm người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi, nhận con.
Bên cạnh đó, trong trường hợp khoản tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác (không do người lao động hoặc thân nhân tự đóng) và làm thay đổi mức trợ cấp thì điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách (tại thời điểm người lao động đủ điều kiện hưởng) để chi trả bổ sung.