Giải phóng năng lượng sáng tạo

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 07:54 - Chia sẻ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, tự chủ đại học không đơn giản chỉ trong nhận thức mà là cả quá trình, đòi hỏi phải có cơ chế và tiềm lực. Bản chất của tự chủ là giải phóng năng lượng của các nhà trường, tạo điều kiện cho thầy cô sáng tạo, từ đó truyền tư duy độc lập cho sinh viên…

Yêu cầu phát triển tất yếu

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34), được Quốc hội thông qua năm 2018, có hiệu lực từ tháng 7.2019, là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. Với việc đề cập đến tự chủ đại học một cách đầy đủ cả về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính và tài sản, Luật 34 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra lớp trí thức tinh hoa có năng lực để xây dựng đất nước phát triển, xa hơn là xây dựng cho được các trường đại học đúng nghĩa tinh thần đại học.

“Như một số nhà lý luận nói, tự chủ là thuộc tính của trường đại học. Nếu nhìn vào sự phát triển đất nước thời gian tới thì nhân lực rất quan trọng, và các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta đã bước qua giai đoạn khó khăn, giờ là lúc cần tài năng, chuyên môn, kỹ thuật, chứ không chỉ gia công đơn giản nữa. Nếu vậy, phải làm sao để các cơ sở giáo dục giải phóng được năng lượng, tiềm năng, bởi đây là nơi thu hút lượng tri thức sáng tạo rất lớn. Vậy thì tự chủ không chỉ là thuộc tính, mà là yêu cầu phát triển tất yếu, phục vụ cho sự phát triển của đất nước” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chia sẻ.

Tự chủ về hoạt động chuyên môn, học thuật là cái lõi của tự chủ đại học, kế đó là tự chủ trong tổ chức bộ máy và nhân sự, cuối cùng là tự chủ tài chính và tài sản. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế Việt Nam, tự chủ tài chính lại trở nên quan trọng, thậm chí quyết định hai vấn đề kia. Hay như Luật 34 vẫn khẳng định phải đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học, trong đó các đại học được Chính phủ cho thí điểm tự chủ, nhưng thực chất khi chuyển sang tự chủ, ngân sách nhà nước bị cắt gần như hoàn toàn và điều này trở thành rào cản rất lớn cho nâng cao chất lượng đại học tại Việt Nam, làm giảm động lực tự thân phát triển của các trường đại học trọng điểm quốc gia, thường là những trường luôn luôn đi đầu trong đổi mới.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho rằng, cần nhìn nhận lại vấn đề này. “Tự chủ đi kèm nhiều điều kiện chứ không chỉ về tài chính. Không thể vì tự chủ mà làm cho các trường khó khăn hay đưa các trường đại học ra thị trường. Ngược lại, phải tạo điều kiện về nguồn lực cho các trường phát triển, cũng là để góp phần phát triển đất nước”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc với Trường ĐH Xây dựng về vấn đề học phí  

Ảnh: Ng.Anh 

4 vấn đề cơ bản

Để đẩy nhanh tự chủ đại học và tự chủ một cách thực chất, qua khảo sát, giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, nhiều vấn đề đặt ra nhưng có 4 vấn đề cơ bản. Thứ nhất là nhận thức, cả xã hội và hệ thống chính trị, đi từ quản lý nhà nước, hệ thống luật pháp, cho đến các cơ sở giáo dục đại học, người học và người dân, tất cả phải nhìn nhận được tự chủ là một yêu cầu bắt buộc để thúc đẩy đại học phát triển, từ đó tác động vào việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có chuyên môn tốt. Vấn đề này cần phải làm mạnh hơn nữa, bởi vì không nhận thức tốt thì không có chính sách tốt.

Thứ hai, chúng ta phải nhìn lại hệ thống văn bản pháp luật. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã quy định, mở ra vấn đề tự chủ, nhưng lại đan xen với nhiều lĩnh vực khác, nhiều luật khác, như khi mở doanh nghiệp trong trường đại học, viên chức sẽ tham gia như thế nào? Hay các trường đại học công lập đang bị ảnh hưởng bởi Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư... “Nghĩa là chúng ta cần phải nhìn lại hàng loạt luật, quyết liệt tạo cơ chế thuận lợi để đội ngũ trí thức, giảng viên phát huy tiềm năng, năng lực của mình tốt nhất”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.

Thứ ba, sau khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Chính phủ có Nghị định 99, Thông tư 15 tính toán định mức kinh tế kỹ thuật... nhưng vẫn còn mỏng đối với một quá trình chuyển đổi, xây dựng một trường đại học đúng nghĩa, có vai trò, vị trí, trách nhiệm đối với phát triển đất nước. Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho rằng, “cần xây dựng một đề án cấp Chính phủ về tự chủ đại học, gắn với trách nhiệm của Nhà nước, để nhìn nhận tổng thể vấn đề này. Luật cũng đã quy định Chính phủ phải đặt hàng, định hướng trách nhiệm cụ thể, trong đó có sự tham gia của các bộ, ngành, tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục đại học phát triển”.

Cuối cùng, bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải vươn lên. Thường khi nói về tự chủ, các trường nhấn rất mạnh vào quyền tự chủ của mình, “nhưng cũng xin nhớ rằng đầu tiên không phải tự chủ tài chính mà là tự chủ về chuyên môn, học thuật. Thành ra các trường phải xem lại trách nhiệm về chuyên môn, học thuật với xã hội, gắn tự chủ với trách nhiệm giải trình, phải hiểu rằng mọi hoạt động của mình đều phải có trách nhiệm với xã hội”.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh: “Bốn vấn đề trên, nếu kết hợp nhuần nhuyễn sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học phát triển, đóng góp của các cơ sở đối với nguồn nhân lực thời gian tới sẽ có hiệu quả rất lớn”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng: Hiểu và nhìn nhận thống nhất về tự chủ đại học

Mặc dầu đã có chuyển biến trong nhận thức về vai trò của tự chủ đại học, tuy nhiên quan điểm về tự chủ đại học chưa thống nhất. Nhiều cơ sở GDĐH cho rằng tự chủ đại học là bản chất, là thuộc tính và là quyền đương nhiên mà họ được hưởng, theo đó, nhà trường phải được tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định sự vận hành của đơn vị và cần xóa bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản đối với các trường đại học. Ngược lại, cũng không ít đơn vị thấy rằng tự chủ không có nghĩa là thoát khỏi chủ sở hữu, theo đó, tự chủ không phải là xóa bỏ “chủ quản”, buông lỏng quản lý, mà quan trọng là thay đổi hình thức quản lý, thay đổi cách thực thi quyền sở hữu của cơ quan nhà nước thông qua đại diện chủ sở hữu là thiết chế hội đồng trường cũng như tăng cường sự minh bạch thông qua chế độ báo cáo, thanh tra, cũng như chịu sự giám sát của xã hội.

Ảnh: Duy Thông

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, vẫn nặng về cách tiếp cận từ góc độ tài chính thông qua mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa có căn cứ, nguyên tắc chung để trao quyền tự chủ cũng như trao tự chủ ở mức độ khác nhau phù hợp với năng lực của từng đơn vị liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như các điều kiện cần thiết khác.

Chính nhận thức về tự chủ khác nhau, đặc biệt nhận thức khác nhau về sở hữu, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý trực tiếp với trường đại học, mối quan hệ các thiết chế trong nhà trường… đã sinh ra mâu thuẫn và rào cản hạn chế tự chủ. Nếu buông lỏng quản lý, nếu hội đồng trường không thực quyền, chế độ minh bạch thông tin chưa được thiết lập, thì công sản đã đầu tư vào các đại học công lập có nguy cơ bị khai thác vì lợi ích tư. Chất lượng đại học và công bằng xã hội khó có thể được cải thiện. Do đó cần xác nhận tường minh để tạo cách hiểu và nhìn nhận thống nhất về tự chủ.

----------------------

Các ưu tiên chính sách - khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới

Để hiện đại hóa quản trị

  • Thông qua Chiến lược Giáo dục đại học 2021 - 2030 có tính chuyển đổi cao và được cấp ngân sách hợp lý.
  • Đầu tư nâng cao năng lực hoạch định chính sách, thiết kế chương trình và theo dõi và đánh giá giáo dục.
  • Cập nhật chính sách về tự chủ và giải trình cơ sở GDĐH tiếp tục nhận ngân sách nhà nước.
  • Trao quyền cho các hội đồng trường chỉ định lãnh đạo và thông qua chiến lược/ngân sách.
  • Khuyến khích cơ sở GDĐH sáng tạo học thuật, đổi mới hành chính bao gồm quản lý nhân sự, gắn kết doanh nghiệp và giới nghiên cứu quốc tế.
  • Cải thiện điều phối cấp quốc gia bao gồm thành lập một bộ duy nhất cho giáo dục đại học, khoa học và công nghệ, và giáo dục nghề nghiệp.

Về huy động nguồn lực

  • Tăng ngân sách công cho GDĐH từ mức 0,23% hiện tại lên 0,80% GDP trước năm 2030.
  • Hướng tới tính đa dạng thể chế - chuyển dịch từ các trường đại học công lập tốn kém sang các cơ sở tư nhân, cao đẳng, trực tuyến có hiệu quả chi phí cao hơn.
  • Đưa ra các hướng tiếp cận tài trợ tài chính và chia sẻ chi phí.

Về cơ chế phân bổ nguồn lực

  • Ngân sách theo công thức cho các khoản chi thường xuyên và các hợp đồng thực hiện.
  • Các quỹ cạnh tranh cho các khoản đầu tư chuyển đổi.
  • Mở rộng quy mô và giới thiệu tài trợ nghiên cứu sáng tạo để thúc đẩy nghiên cứu hợp tác và có tác động cao.
  • Thành lập và vận hành một cơ quan tài trợ duy nhất để quản lý việc phân bổ các nguồn lực công cho các trường đại học.

PV

 

 

Anh Minh