An ninh trật tự

Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án hình sự kinh tế

Tịnh Hà 14/05/2025 11:31

Trên thực tiễn, công tác thi hành án trong các vụ án hình sự kinh tế vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc do tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản nhà đất có giá trị lớn, rải rác ở nhiều địa phương.

Sáng 14/5, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế do Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực thi hành án, chuyên gia độc lập…

z6599281435245_dad86f1b82b658fe8f2426c606e3baae.jpg
Tổng biên tập báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước phát biểu khai mạc hội thảo

Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Theo dự thảo tờ trình, qua hơn 16 năm thi hành, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, trên thực tiễn công tác thi hành án dân sự vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản nhà đất có giá trị lớn, rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm thi hành án thường phức tạp, nhiều trường hợp đến giai đoạn thi hành án thì xuất hiện các vấn đề pháp lý phát sinh, cần phải xác minh, làm rõ… dẫn đến nhiều vụ án lớn, dù đã tuyên án nhiều năm những vẫn chưa thể thi hành án dứt điểm.

z6599259274757_66c12abcf390f99439db9f7d480d0995.jpg
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại hội thảo

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Theo tinh thần của Nghị quyết, Nhà nước bảo đảm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, Nghị quyết đã đề ra biện pháp chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế bảo đảm nguyên tắc “ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước”.

Nghị quyết cũng yêu cầu phải bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức… Có thể thấy, theo tinh thần của Nghị quyết 68, trong một vụ án, việc xử lý tài sản để khắc phục hậu quả là vô cùng quan trọng.

z6599259138721_884d9a689de830ea23407609c1b9ea5a.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh Mai Ngọc Phước bày tỏ, tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ khơi thông môi trường kinh doanh, bảo đảm sự an tâm, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Muốn vậy, tinh thần đó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa vào các văn bản pháp luật liên quan; trong đó có Dự luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng.

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp tại hội thảo không chỉ góp phần sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, mà còn lan tỏa đến các luật liên quan khác, tạo nên một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy kinh tế và thu hút đầu tư.

z6599258905575_42fd4d0feaaf454d661bc98206db9697.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa cho hay, sau một thời gian thi hành Luật Thi hành án dân sự đã có nhiều bất cập, quy định chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập thi hành.

Theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh, tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ về tiền trong thi hành án kinh tế, tham nhũng chiếm tỷ lệ cao trong cả nước. Những năm gần đây, đối với án kinh tế, tham nhũng ngoài việc chú trọng tội danh, hình phạt thì giá trị thu hồi tài sản đạt được bao nhiêu mới là quan trọng. Kết quả thu hồi trong những năm qua có những chuyển biến rõ nét, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, do giai đoạn điều tra, truy tố xét xử kéo dài, tính chất pháp lý chưa làm rõ; những đối tượng tìm cách tẩu tán tài sản...

z6599480265951_b5314b296e75efca0da2dd25641fab93.jpg
Quang cảnh hội thảo

Bên cạnh đó, khi tại giai đoạn xét xử, tòa án chưa quan tâm đến tính chất tài sản mà chỉ căn cứ cáo trạng, kết luận điều tra để tuyên, dẫn đến Cục Thi hành án dân sự gặp vướng khi xử lý tài sản. Đơn cử, tài sản của người phạm tội nhưng đứng tên là người khác dẫn đến tranh chấp; giấy phép dự án hết hạn do quá trình điều tra kéo dài; chưa có quy định về xử lý tài sản hình thành trong tương lai...

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau phân tích những khó khăn, vướng mắc hiện tại, đối chiếu với các quy định pháp luật và đề xuất những giải pháp, những kiến nghị để hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự, đặc biệt trong việc xử lý tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án hình sự kinh tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO