Giải pháp tình thế
Người Mỹ lâu nay vẫn ưa thích sự độc lập và phần lớn thanh niên chọn cách sống một mình. Thế nhưng, giờ đây có một xu hướng khác, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình có ít nhất hai thế hệ.
Những con số biết nói
Thống kê mới nhất cho thấy trong năm 2015, có gần 40% người trẻ tuổi ở Mỹ lựa chọn sống chung với người thân trong gia đình. Đó không nhất thiết là bố mẹ mà có thể là anh, chị em ruột hoặc cô, chú… Đây là con số cao nhất trong hơn 75 năm qua ở xứ cờ hoa kể từ khi cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1940 kết thúc. Những người này đều trong độ tuổi từ 18 - 35. Trên thực tế, chưa có dấu hiệu cho thấy xu thế cách đây nhiều thập kỷ sẽ đảo chiều.
Sau khi học xong trung học, thanh niên ở Mỹ bắt đầu nghĩ tới việc dọn ra sống riêng. Ở độ tuổi 18 các bạn trẻ chuyển lên học ở cao đẳng hay đại học. Các em dọn từ nhà tới sống ở gần trường. Nhiều em khác không học đại học bắt đầu đi làm và đủ khả năng nuôi sống bản thân. Tuổi 25 tại Mỹ được coi là mốc đánh dấu sự trưởng thành của thanh niên. Khác với cảm giác hân hoan trong sinh nhật lần thứ 21, các em bắt đầu nhìn lại những gì mình đã và đang có để chuẩn bị cho đời sống khi tuổi đời đạt tới mốc “một phần tư thế kỷ”, theo lối nói của giới trẻ. Dọn ra sống riêng là một trong những tiêu chuẩn thanh niên Mỹ đặt ra cho bản thân trong quá trình trưởng thành. Sau lứa tuổi 18 - 24, hầu hết thanh niên Mỹ sống xa gia đình. Tài liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ năm 2000 cho thấy, 85% thanh niên nước này trong lứa tuổi 25 - 34 sống tự lập. Năm 2012, con số đó giảm xuống còn 78% và bây giờ là khoảng 60%. Tài liệu không cho thấy sự khác biệt giữa tỷ lệ của nam và nữ trong hiện tượng quay về sống chung với gia đình. Mức thu nhập là động cơ lớn nhất dẫn đến sự khác biệt. Những thanh niên có bằng cấp cao hơn và công việc ổn định hơn có tỷ lệ sống với cha mẹ thấp nhất.
Sắc tộc cũng là một yếu tố đáng quan tâm. Khảo sát cho thấy, số thanh niên Mỹ 25 - 34 tuổi da trắng, gốc Phi và gốc Latin trở về sống với cha mẹ tăng nhanh hơn so với thanh niên gốc Á. Tuy vậy, thanh niên gốc Á vẫn là nhóm người có tỷ lệ sống với cha mẹ cao nhất.
Chỉ là tạm thời?
Theo các nhà xã hội học, lý do chính ở đây là chi phí thuê nhà tăng, lương giảm, nợ sinh viên tăng và nguy cơ khó tìm việc làm. Để tiết kiệm tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, nhiều thanh niên Mỹ quyết định không chuyển ra ngoài sống. Sống cùng bố mẹ giúp họ học được tính tiết kiệm và thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu.
Tình trạng kinh tế chưa hoàn toàn “bình phục” sau cuộc khủng hoảng năm 2008 đã tác động đến lối sống của những người trẻ tại Mỹ. Từ năm 2007 đến 2009, số người Mỹ thuộc nhiều thế hệ sống trong cùng một nhà đã tăng hơn 10%, từ 46,5 triệu lên 51,4 triệu người. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong lịch sử hiện đại, số người Mỹ sống chung trong những căn hộ nhiều thế hệ đang ở mức cao nhất. Hiện nay, ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, số người thuộc nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà vẫn giữ kỷ lục.
Vẫn theo tài liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, vào năm 2010, ở vào lứa tuổi 25 - 34, cứ 10 thanh niên sống riêng lại có 2 người sống dưới mức nghèo, gấp đôi tỷ lệ so với những thanh niên sống với cha mẹ. Sống với gia đình giúp những thanh niên chưa có việc làm ổn định, vượt qua được quãng thời gian “khủng hoảng” đi kiếm việc làm, nhất là trong những năm suy thoái kinh tế hiện nay. Việc dọn về chung sống với cha mẹ không những giúp giảm chi phí tài chính cho các bạn trẻ mà còn giúp cho gia đình họ. Theo khảo sát, hầu hết thanh niên ở độ tuổi trưởng thành nếu ở chung với cha mẹ sẽ phụ giúp ít nhiều công việc hàng ngày cho gia đình. 75% các bạn trẻ trả một hay nhiều hóa đơn của gia đình. 96% phụ làm vườn, nấu nướng hay dọn dẹp.
Ðối với các bậc phụ huynh, lợi ích của việc tiết kiệm chi phí khi các thế hệ sống chung không thể sánh được việc gia đình gắn bó tình cảm. Những thanh niên đang sống với cha mẹ không than phiền về cuộc sống hiện tại. Tuy vậy, hầu hết các em đều mong sớm có đủ khả năng tài chính để ra ở riêng. Tài liệu của U.S. Cencus Bureau cho thấy cứ 10 thanh niên được hỏi sẽ có 9 em mong muốn hoặc chuẩn bị cho cuộc sống tự lập. Có thể thấy, sống chung vẫn chỉ là một giải pháp tình thế mà giới trẻ Mỹ lựa chọn cho giai đoạn khó khăn.