Đào tạo lại lao động

Giải pháp tạo việc làm bền vững

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:34 - Chia sẻ
Trước làn sóng thất nghiệp gia tăng, các chuyên gia cho rằng, cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc.

Gia tăng số lao động thất nghiệp

Tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao trình độ để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng dịch Covid -19, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, gói hỗ trợ học nghề trị giá 6.000 tỷ đồng hướng tới người lao động thuộc các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị sử dụng lao động có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Qua đó, thúc đẩy việc đào tạo, đào tạo lại lãnh đạo, bảo đảm duy trì việc làm, hạn chế tình trạng thất nghiệp.

Báo cáo về thực trạng lao động quý I.2021 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, trong quý I.2021, ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với cùng kỳ năm ngoái (tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi quý I.2020 là 2,34%; thiếu việc làm là 1,98%).

Cũng trong quý I.2021, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước ước tính là 2,19%, trong đó khu vực thành thị là 2,96%; khu vực nông thôn là 1,76%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi của quý này là 2,42%, trong đó khu vực thành thị là 3,19%; khu vực nông thôn là 1,98%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) ước tính là 7,44%, trong đó khu vực thành thị là 10,34%; khu vực nông thôn là 5,99%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này ước tính là 2,20%, trong đó khu vực thành thị là 1,52%, trong khi tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 2,60%. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn tiếp tục gia tăng trong quý I.2021 và con số này sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong những tháng tiếp theo.

Có thể thấy, dù Chính phủ, bộ ngành đã có những giải pháp mạnh mẽ nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến kinh tế, việc làm vẫn rất lớn. Khảo sát gần đây được thực hiện tại gần 300 doanh nghiệp về thực trạng cắt giảm chi phí đào tạo do Navigos, Tập đoàn tuyển dụng nguồn nhân lực trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam cho thấy những kết quả đáng suy ngẫm. Theo đó, do ảnh hưởng dịch Covid -19, có tới 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải giảm một phần các hoạt động đào tạo; 10% doanh nghiệp ngừng hoàn toàn mọi hoạt động liên quan đến yếu tố này; 32% doanh nghiệp cho biết họ bị cắt giảm ngân sách dành cho các hoạt động đào tạo và phát triển.

Khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp không dành các chương trình đào tạo cho các kỹ năng cơ bản và quan trọng bao gồm kỹ năng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật…) chiếm 43%; không có các chương trình đào tạo các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin chiếm 24%; không có các chương trình đào tạo về Bán hàng - Tiếp thị - Quan hệ khách hàng chiếm 22%.

Điều đáng quan tâm, mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc cắt giảm các chi phí đào tạo sẽ khiến doanh nghiệp hụt hơi trong việc cạnh tranh tuy nhiên trước tác động của đại dịch Covid-19 thì không có cách nào khác để cắt giảm chi phí. 

Chú trọng đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội

Bắt đầu từ chất lượng nguồn nhân lực

Từ thực trạng trên, theo Tổng cục Thống kê cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh đề xuất: “Hiện, thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% số lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Do đó, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế”.

Đồng tình với đề xuất trên, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, để có thể duy trì việc làm bền vững, hạn chế tình trạng thất nghiệp thì cần thiết phải “ưu tiên dành nguồn lực đào tạo lại lao động, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn cho lao động là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Nếu thực hiện có lộ trình phù hợp đây được xem là giải pháp góp phần tăng năng suất lao động”.

Theo thống kê của ngành lao động, thương binh và xã hội, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lên tới gần 1,1 triệu người, số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỷ đồng, tương ứng với mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Chính vì vậy, cần có những sửa đổi, bổ sung chính sách quỹ bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với tình hình mới. 

Thái Yến