Giải pháp sống chung an toàn với Covid

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 05:52 - Chia sẻ
Tại phiên hiến kế “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” ngày 10.9, Giám đốc điều hành Economica Vietnam Lê Duy Bình cho rằng, trước hết doanh nghiệp phải phòng, chống dịch hiệu quả tại nơi làm việc, nơi sản xuất.

Xây dựng lực lượng y tế tại chỗ

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với các biến chủng mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội và hoạt động của doanh nghiệp. "Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải sống chung với dịch bệnh nhưng thế nào cho an toàn thì cần có giải pháp”.

Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt đồng tình quan điểm chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19. Ông cho biết, doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình  “3 tại chỗ” khiến chi phí tăng 3 - 4 lần trong khi nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao, năng suất chỉ đạt 30 - 50% so với trước. Những biện pháp chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương, chưa thống nhất các quan điểm, chính sách hướng dẫn cho các doanh nghiệp không đầy đủ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được tin tưởng hơn và giao trách nhiệm nhiều hơn để có thể tổ chức sản xuất an toàn trong dịch bệnh.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử cho rằng, cơ quan y tế cần hướng dẫn, tập huấn để doanh nghiệp xây dựng được lực lượng y tế tại chỗ. Trong quá trình sản xuất, có vướng mắc doanh nghiệp sẽ chủ động báo cáo y tế và chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, phải mất 3 - 5 ngày sau khi doanh nghiệp báo cáo các trường hợp mắc Covid-19, cán bộ y tế và chính quyền địa phương mới xuống cơ sở, như vậy quá chậm trễ. Nếu doanh nghiệp được đào tạo, được trang bị kiến thức về y tế cùng với cơ sở vật chất sẵn có thì hoàn toàn có thể chủ động ứng phó, sơ cứu ban đầu và điều trị được.

May 10 sở hữu cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị, do vậy, Tổng Giám đốc Thân Đức Việt đề xuất được chủ động trong phòng, chống dịch bệnh và điều trị F0 là lao động của nhà máy. “Chúng ta đã cho phép điều trị F0 tại nhà, doanh nghiệp có cơ sở y tế dự phòng với đầy đủ trang thiết bị y tế có thể điều trị cho F0”, ông Việt nói.

Chống dịch hiệu quả ngay trong doanh nghiệp

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động, nếu không dù có chung sống với dịch thì doanh nghiệp cũng vẫn “thoi thóp” và “tắc thở”. Vaccine giúp doanh nghiệp xác định chiến lược ngắn và dài hạn thay vì nơm nớp lo hôm nay đi làm ngày mai phải đóng cửa vì dịch. Ngoài ra, khách hàng cũng rất quan tâm tới tỷ lệ tiêm vaccine của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ tiêm vaccine không cao trong quý tới, họ sẽ tìm đối tác khác.

Để sống chung an toàn với dịch, doanh nghiệp trước hết cần phòng, chống dịch hiệu quả tại nơi làm việc, nơi sản xuất, Giám đốc điều hành Economica Vietnam Lê Duy Bình chia sẻ. Đây là giải pháp tiên quyết để duy trì kế hoạch phục hồi, sản xuất, kinh doanh. Tiếp đến, cần tìm những nhóm giải pháp lưu chuyển hàng hóa an toàn, bởi hàng hóa có lưu thông được thì mới kích thích sản xuất. Cuối cùng là phương diện quản lý của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa.

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hà Nội, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phân loại doanh nghiệp theo hướng đáp ứng yêu cầu về tiêu chí sản xuất "xanh" - an toàn. Sau đó, tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bị đuối trong bảng xếp hạng phân loại để khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các doanh nghiệp có sự đồng đều, đáp ứng được các yêu cầu sản xuất an toàn.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

An Thiện