Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề,nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 07:20 - Chia sẻ
Đây là chủ đề của chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chiều ngày 17.10. Đồng thời, cũng là bước đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Tham gia buổi giao lưu có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng; Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông Trần Thanh Hải; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (HBA) Trần Thiên Long.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, Trưởng Ban Nhân dân điện tử Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, Chỉ thị 24/CT-TTg đặt mục tiêu theo lộ trình đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển GDNN, nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã trao đổi thắng thắn, tâm huyết, nêu ra những thuận lợi cũng như những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ. Tập trung thảo luận để tìm ra những giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; đồng thời, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, chế độ, chương trình học tập giáo dục nghề nghiệp, xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động hiện nay. Theo đó, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, Việt Nam phải tìm ra động lực mới mà trong đó, con người là nhân tố trung tâm. Đây cũng chính là khâu đột phá mà Đại hội XI và Đại hội XII đã xác định là tập trung đào tạo để có được nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng phát biểu

Nhận định về lực lượng lao động hiện nay, Phó chủ nhiệm Phạm Tất Thắng cho biết, hiện Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 56 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Nguồn lao động này được đánh giá là thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại - nguồn lực quan trọng trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, chỉ có hơn 22% trong số đó được đào tạo và có văn bằng chứng chỉ. Còn lại khoảng gần 4/5 lực lượng lao động là chưa qua đào tạo. Chất lượng lao động những năm gần đây có tiến bộ đáng kể song chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về trình độ tay nghề, kỹ năng lao động và ý thức lao động... “Rõ ràng, trong bối cảnh Việt Nam vừa ký một loạt định thương mại tự do thế hệ mới thì đây là một cơ hội vàng cho Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không tận dụng tốt lực lượng lao động này sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn dân số vàng và cơ hội không quay lại nữa” – Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Chỉ thị 24/CT-TTg trong việc phát triển GDNN, kỹ năng nghề, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho rằng, phát triển GDNN, kỹ năng nghề không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị kiến thức, kỹ năng thái độ nghề nghiệp cho người học, đằng sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Chỉ thị đã nêu rõ 3 nhóm vấn đề cần quan tâm: Phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20; triển khai nhiều chương trình, đề án, hoạt động gắn với đổi mới GDNN; và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN.

Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu

Để triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH ngày 11.8.2020. Trong đó nêu rõ 4 nhóm nội dung: Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển GDNN; tăng cường công tác truyền thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN và xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án về phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030. Tổng cục GDNN đã ban hành kế hoạch thực hiện các Chỉ thị, Quyết định trên với 24 nhiệm vụ cụ thể.

Từ góc độ của đơn vị tham gia trực tiếp trong đào tạo nghề, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh chất lượng GDNN hiện nay, chúng ta cần thừa nhận chất lượng đào tạo của các cơ sở thông qua chất lượng nhân lực đầu ra; cũng như chất lượng của các chương trình đã thừa nhận ở nước ngoài.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông Trần Thanh Hải phát biểu.

Đặc biệt, để khắc phục “độ vênh” giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng, Nhà trường đã đưa các cựu sinh viên hiện đang đi làm tại các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của Nhà trường nhằm khắc phục những lỗ hổng kiến thức, kỹ năng mà nhà trường chưa đáp ứng đủ cho các doanh nghiệp.

Về đội ngũ giáo viên, ngoài những giảng viên hàn lâm, trường có mời các giảng viên là các nhà quản trị, các kỹ thuật viên ở các công ty khởi nghiệp nhằm mang những yếu tố mới, yếu tố doanh nghiệp cần vào trong chương trình đào tạo của nhà trường. Sự kết hợp này sẽ giúp cả hai bên đều có lợi: Doanh nghiệp có được đội ngũ lao động chuẩn; nhà trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HBA Trần Thiên Long phát biểu

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (HBA) Trần Thiên Long đề xuất, để nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh mới thì các trường đào tạo nên quan tâm vấn đề cốt lõi như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng chương trình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp. Thông qua các hội thảo xây dựng chương trình đào tạo, triển khai công nghệ, nghiên cứu dự báo tương lai của nhà trường nên có sự tham gia của doanh nghiệp, vì nó sẽ tạo ra sự gắn kết đào tạo theo nhu cầu.

Thứ hai, chương trình đào tạo cần có tính mở. Điều này rất quan trọng với đơn vị đào tạo để dễ dàng bổ sung, loại bỏ môn học không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, các chương trình cần mời chuyên gia từ doanh nghiệp đến cơ sở đào tạo dạy nghề để truyền đạt kinh nghiệm cho các em một phần môn học. Các bạn học ở nhà trường là học cụ thể các môn học, nhưng nếu nghe thêm giám đốc các nhà máy, giám đốc nhân sự, giám đốc sản xuất nói câu chuyện thực tiễn nhà máy sẽ thấy nội dung học phong phú và có sự cập nhật kịp thời. Điều này giúp các em có cái nhìn thực tiễn, ra trường không bỡ ngỡ, kịp thời phát triển bản thân.

Thứ tư, nên phối hợp doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại xưởng, trường. Trường có cơ sở hạ tầng, nhà máy có máy móc, chuyên gia. Sự kết hợp đào tạo sản xuất tại xưởng nhà trường sẽ rất hay, đây là sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp.

Cuối cùng, Hiệp hội thấy, nhà trường cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng. Trong quá trình hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp than phiền rất nhiều vấn đề này nên nhà trường phải tập trung đào tạo kỹ năng hơn nữa, xây dựng chương trình thực tiễn hơn, tăng cường ngoại ngữ, tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp bên cạnh kỹ năng chuyên môn. “Tôi cho rằng, với sự phối hợp như trên, người học ra trường bản lĩnh hơn, vững vàng hơn, tiếp cận thực tiễn giá trị hơn” – ông Long nói.

Thái Bình