Bảo đảm quyền lợi cho lao động

Giải pháp phải cụ thể

- Thứ Ba, 24/09/2019, 08:11 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần có điều khoản quy định việc thiết lập khung pháp lý bình đẳng để giải quyết khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ. Đồng thời, các ngành chức năng phải xây dựng những quy định, giải pháp mang tính cụ thể, thiết thực hơn để bảo vệ quyền lợi cũng như đời sống cho người lao động.

Giải quyết khoảng cách tiền lương

Tại Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới góc độ giới do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức mới đây, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cho rằng, việc điều chỉnh theo hướng bình đẳng giới đối với người lao động Việt Nam tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn hạn chế, chưa thực hiện được quyền bình đẳng công bằng theo hiến định, nhất là việc bảo đảm quyền bình đẳng trong học nghề, ốm đau, thai sản, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của lao động nữ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số điều tại Bộ luật Lao động hiện hành nhằm giải quyết khoảng cách giới là Điều 4 (khoản 1) và Điều 3 (Khoản 9) còn thiếu định nghĩa về phân biệt đối xử và định nghĩa về giới, bình đẳng giới. Vì vậy, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần có điều khoản quy định việc thiết lập khung pháp lý bình đẳng để giải quyết khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ. Bởi, thực tế cho thấy, nữ giới trong cùng ngành nghề, cùng trình độ học vấn và cùng khu vực địa lý nhưng đang có thu nhập thấp hơn so với nam giới.

Ngoài ra, về quyền lợi cũng như chế độ làm thai sản cho lao động nữ, Bộ luật Lao động hiện hành có quy định về chế độ thai sản cho lao động nữ, trong đó nêu rõ người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra đề xuất quy định: “Nếu không có sự đồng ý của người lao động, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Theo ông Đặng Như Lợi, quy định như dự thảo có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho phụ nữ mang thai. Bày tỏ quan điểm không đồng ý làm thêm giờ với trường hợp mang thai từ tháng thứ 7, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, việc quy định nội dung mở rộng linh hoạt như vậy sẽ khiến người sử dụng lao động lách luật hoặc vẫn khiến phụ nữ mang thai thời kỳ cuối vì lương cao mà làm thêm giờ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.


Xây dựng quy định, giải pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Nguồn: ITN

Để người lao động học tập, nâng cao tay nghề

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng đưa ra quy định giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. Tuy nhiên, đại diện của một số doanh nghiệp không đồng tình với việc giảm giờ làm trong tuần và cho rằng, tiêu chuẩn về thời gian làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Lào đều là 48 giờ/tuần. Do đó, nếu giảm giờ làm trong tuần sẽ giảm sức cạnh tranh và gây ra nguy cơ phá sản cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc tăng năng suất lao động không đồng nghĩa với việc tăng thời gian lao động, mà tăng thời gian lao động là tăng cường độ lao động. Hiện nay, thế giới đang phấn đấu giảm giờ làm, tăng năng suất lao động để không chỉ tạo ra năng suất lao động mà còn bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

“Nguyên tắc là cố gắng cải thiện điều kiện lao động, giảm giờ làm, tăng năng suất lao động bằng tất cả giải pháp tổng hợp, không nên đặt tất cả vấn đề cạnh tranh vào người lao động. Thay vào đó, phải dành thời gian để người lao động được học tập, nâng cao tay nghề, vì khi kỹ năng làm việc tốt sẽ tác động tới năng suất lao động hơn là yêu cầu người lao động làm thêm giờ” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cũng cho rằng, nếu nhìn vào thực tế tình trạng lao động trong nước hiện nay, ngoài việc xây dựng lộ trình giảm giờ làm, các ngành chức năng phải xây dựng những quy định, giải pháp mang tính cụ thể, thiết thực hơn để bảo vệ quyền lợi cũng như đời sống cho người lao động. Bởi, dù theo báo cáo của các ngành chức năng, mức lương tối thiểu hiện nay có thể bảo đảm 95% mức sống tối thiểu của người lao động, nhưng thực tế cho thấy trong khoảng hơn 16 triệu lao động ở các loại hình doanh nghiệp trong cả nước, chỉ có khoảng hơn 50% lao động có thu nhập tạm đủ để trang trải cuộc sống, hơn 20% trong số đó phải chi tiêu tằn tiện, số còn lại không đủ sống.

“Công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở gia công… phải tăng ca liên tục để có thêm thu nhập, nhằm bảo đảm cuộc sống. Điều này cho thấy, tăng hoặc giảm vài giờ làm việc chưa phải là vấn đề bức thiết của người lao động. Vấn đề chính vẫn là việc bảo đảm thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người lao động”- bà Trần Thị Hương - công nhân Công ty Cổ phần đồ hộp Hạ Long, TP Hải Phòng chia sẻ.

Việc xây dựng một hành lang pháp lý, bảo đảm quyền lợi cho người lao động làm việc theo đúng số giờ quy định là rất cần thiết và là việc phải làm. Nói cách khác, bên cạnh những “quy định cứng” về thời gian làm việc và thời gian làm thêm giờ, các ngành chức năng cần có những quy định nhằm bảo đảm quyền lợi, thu nhập cho người lao động trên cơ sở xem xét tính đặc thù của từng ngành nghề lao động cụ thể, để giữ vững sự phát triển, ổn định của doanh nghiệp.

Nhật Phương