Giải pháp nào cho năng lượng tái tạo, điện mặt trời ?

- Thứ Sáu, 30/04/2021, 10:00 - Chia sẻ
Chuyển dịch năng lượng là xu hướng của thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ vì có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ việc phát triển các công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời cần xây dựng bộ tiêu chuẩn cụ thể… Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghệ quang điện mặt trời tổ chức chiều 29.4, tại Hà Nội.

Xu hướng tất yếu

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội PGS. TS Nguyễn Phong Điền khẳng định, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ năng lượng tái tạo là một trong bốn hướng nghiên cứu trọng tâm của trường và đang được triển khai mạnh mẽ. Đây là tiền đề cho chiến lược phát triển của Viện Điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội) về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực mới nhưng rất quan trọng này…

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội PGS. TS Nguyễn Phong Điền
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Phong Điền

Các chuyên gia nhận định, năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình dịch chuyển năng lượng trên thế giới từ đầu thế kỷ XXI. Đặc biệt, công nghệ điện mặt trời phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Tổng công suất đặt luỹ tích của điện mặt trời trên thế giới đạt khoảng 520 GWp (năm 2018) và 650 GWp (tính đến cuối năm 2019), đáp ứng khoảng 4% nhu cầu điện năng toàn cầu.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, Phó Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” PGS. TS Phạm Hoàng Lương cho biết, hiệu quả năng lượng là cơ sở để chuyển đổi và tiến tới một tương lai năng lượng sạch, an toàn và một nền kinh tế xanh. Sử dụng năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích cho người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững. Năng lượng tái tạo cũng có vai trò quan trọng trong việc kết hợp các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững khác, do bản chất của hiệu quả năng lượng là hướng đến sự chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng cacbon thấp. Theo kịch bản đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris, hiệu quả sử dụng năng lượng có thể tạo ra mức giảm 35% phát thải CO2 vào năm 2050. Việc thúc đẩy thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng không chỉ là để đạt được các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng và giảm ô nhiễm không khí cục bộ.

Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, Phó Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” PGS. TS Phạm Hoàng Lương
Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, Phó Chủ nhiệm Chương trình KHCN trọng điểm Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, PGS. TS Phạm Hoàng Lương

Ở Việt Nam, tính đến tháng 12.2020 tổng công suất điện mặt trời lắp đặt trên cả nước đạt 19,4 GWp (trong đó có gần 9,3 GWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16,5 GWp, chiếm 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm chia sẻ, với các chính sách ưu đãi của Chính phủ trong thời gian qua, các dự án điện mặt trời đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về điện mặt trời trong thời gian ngắn. Thời gian qua EVN cũng đã hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển, sử dụng điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà…

Phó Trưởng ban, Ban Khoa học công nghệ và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) TS. Đặng Bằng Việt thì cho biết, Việt Nam đang ở top 10 nước phát triển điện mặt trời của thế giới. Tính đến tháng 1.2021, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành trên toàn hệ thống là 21.650MW. Trong đó, có thời điểm điện mặt trời đóng góp 8.500MW; điện mặt trời áp mái (Rooftop Solar) đạt 7.600MW; điện gió (Wind turbine) đạt 490MW; thủy điện nhỏ (Small hydropower) đạt mức 4.650MW…

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm phát biểu tại Hội thảo

Cũng theo số liệu thống kê của EVN, toàn bộ sản lượng điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm 2020 là 10,6 tỉ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,15 tỉ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

Còn nhiều thách thức

Các chuyên ra cũng chỉ rõ, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và quy mô của các dự án quang điện mặt trời đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong việc bổ sung nguồn năng lượng sạch trong hệ thống điện Việt Nam. Mặt khác, thực trạng này cũng đặt ra không ít thách thức cho việc phát triển hiệu quả và bền vững loại hình công nghệ năng lượng này ở Việt Nam. Các thách thức cụ thể bao gồm: Phần lớn các hệ thống điện mặt trời có 3 thành phần chính là tấm quang điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi DC-AC và pin lưu trữ đều có xuất xứ từ nước ngoài chưa được kiểm soát chặt chẽ về tính năng kỹ thuật. Thách thức tiếp đó là hiện Việt Nam chưa có các quy định về quản lý cũng như các định hướng, giải pháp kỹ thuật về sử dụng, tái chế chất thải rắn từ hệ thống quang điện mặt trời sau khi hết hạn sử dụng hoặc hỏng hóc. Ngoài ra còn thách thức do hiện tượng quá tải cục bộ của các mạng lưới điện trung - hạ áp tại các khu vực có nhiều dự án quang điện mặt trời được triển khai nhưng không có hoặc chưa có hộ tiêu thụ điện tại chỗ hoặc các khu vực lân cận, các vấn đề kỹ thuật khác khi triển khai những hệ thống quang điện mặt trời nối lưới (quán tính hệ thống, cân bằng pha,…).

PGS Nguyễn Đức Huy (Viện Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội)
PGS Nguyễn Đức Huy (Viện Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội)

PGS Nguyễn Đức Huy (Viện Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay, khi góp phần quan trọng hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch. Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền “kinh tế xanh” đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch sẽ được đẩy nhanh hơn nữa nếu có được sự đồng bộ về chính sách và các tiêu chí phát triển cụ thể…

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Các chuyên gia cũng dự báo, để các nguồn năng lượng này phát triển bền vững nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ngoài sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để có thể xây dựng các chính sách hiệu quả, cụ thể. Ngoài ra, khi thực hiện các dự án điện mặt trời cần sự phối hợp của các bộ, ngành để thử nghiệm xây dựng các cơ chế, chính sách sao cho phù hợp nhất. Nếu chỉ có công nghệ mà không chính sách, thì điện mặt trời cũng không thể phát triển…, TS. Đặng Bằng Việt chia sẻ.

Đức Hiệp