Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh

Giải pháp hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 07:53 - Chia sẻ
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh, việc số người nhận BHXH một lần tăng nhanh đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết về an sinh xã hội. Để hạn chế, cần thiết và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và dài hạn; trong đó tăng cường và đẩy mạnh công tác truyền thông, để các chính sách, quy định liên quan đến BHXH đến gần hơn với người lao động. Từ đó, giúp họ hiểu và nhận thức đúng, toàn diện về chính sách, chế độ BHXH.

Gia tăng số người nhận BHXH một lần

Theo số liệu thống kê, qua các năm, số lượng người tham gia BHXH bắt buộc tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng lên, tuy nhiên, cùng với đó số lượng hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần cũng tăng theo. Cụ thể, năm 2015, BHXH TP. Hồ Chí Minh giải quyết 74.825 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 95% trong tổng số hồ sơ đã được giải quyết BHXH một lần, trong đó, người có quá trình tham gia BHXH trên 10 năm có 8.275 hồ sơ (11%), tuổi đời trung bình là 39,9 tuổi.

Năm 2018, giải quyết 96.691 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 96,4% trong tổng số hồ sơ đã được giải quyết BHXH một lần. Năm 2019, giải quyết 96.399 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 96% trong tổng số hồ sơ đã được giải quyết BHXH một lần. Đặc biệt, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù ghi nhận giảm 98.586 người tham gia BHXH bắt buộc so với năm 2019, nhưng lại tăng 14.546 hồ sơ đề nghị nhận trợ cấp BHXH một lần so với năm 2019, tăng gần 14,5%.

Theo đại diện BHXH TP. Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng Covid-19, từ tháng 4.2020, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa khiến hàng trăm nghìn người mất việc. Sau một năm nghỉ việc và không tìm được việc làm mới, người lao động có quyền làm hồ sơ nhận BHXH một lần. Dự kiến từ tháng 5.2021, lượng người làm thủ tục BHXH một lần sẽ tăng cao.

Hồ sơ hưởng BHXH một lần tại TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là người lao động đóng BHXH dưới 20 năm và đề nghị giải quyết trợ cấp BHXH một lần chiếm tỷ lệ trên 95%. Trong đó, đối tượng thường là những người lao động có tuổi đời còn rất trẻ và độ tuổi này ngày càng có xu hướng được trẻ hóa. Nếu như năm 2015 tuổi đời trung bình của người hưởng là 39,9 tuổi, đến năm 2020 chỉ còn là 35,4 tuổi. Chưa kể, số lượng hồ sơ có quá trình tham gia BHXH trên 10 năm chọn hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng và chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số hồ sơ đã được giải quyết.

Gia tăng số người hưởng BHXH một lần

Nguồn: ITN 

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Hệ lụy của việc rút BHXH một lần rất lớn không chỉ đối với người lao động mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến cho người lao động chọn hưởng BHXH một lần, trong đó có việc điều chỉnh tăng tỷ lệ hưởng lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm đối với cả nam và nữ (theo lộ trình nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) áp dụng từ năm 2021. Nhiều người cho rằng, quy định tăng tuổi hưu khiến họ khó đáp ứng điều kiện để nhận lương hưu.

Chưa kể, mức hưởng BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 cao hơn so với quy định trước đây cũng là lý do khiến nhiều người làm thủ tục. Theo đó, người lao động đóng một năm BHXH sẽ được nhận 2 tháng mức bình quân tiền lương đóng thay vì 1,5 tháng. Thậm chí, nhiều người chưa có thói quen tích lũy, coi khoản tiền trợ cấp BHXH một lần được nhận sau mỗi lần nghỉ việc là một khoản tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến lượng hồ sơ đề nghị giải quyết BHXH một lần tăng nhanh là việc bỏ quy định nộp hồ sơ nhận trợ cấp BHXH một lần tại nơi cư trú và đơn không cần xác nhận của chính quyền địa phương.

Theo Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mến, người lao động trẻ, kể cả người có thời gian đóng BHXH trên 10 năm có xu hướng lựa chọn hưởng BHXH một lần tăng, thay vì chọn phương án tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng hưu trí là vấn đề rất đáng quan tâm, vì những người này đã tự rời lưới an sinh, có thể khiến cho cuộc sống sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi nếu muốn đóng lại BHXH, người lao động không được cộng nối thời gian đóng trước đó mà tính theo thời gian mới.

Để hạn chế việc nhận BHXH một lần, Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần thiết thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của người lao động. Trước mắt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để các chính sách, quy định liên quan đến BHXH đến gần với người lao động hơn nữa. Từ đó, góp phần giúp họ hiểu và nhận thức đúng, toàn diện về các chính sách an sinh xã hội mà Nhà nước muốn hướng tới và đem lại cho người dân thông qua các chính sách, chế độ về BHXH.

Bên cạnh đó, điều chỉnh một số chính sách liên quan như có quy định tăng dần thời gian hưởng trợ cấp BHXH một lần sau khi nghỉ việc theo lộ trình; bổ sung các chế độ được hưởng để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Trong các điều kiện để hưởng BHXH một lần, cần xem xét bỏ quy định về điều kiện không tự phục vụ được đối với người lao động bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng, hoặc bị suy giảm sức khỏe từ 81% trở lên, để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia được nhận BHXH một lần.

Nhật Phương