Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là vựa lương thực, thực phẩm của cả nước và một trong những nguồn cung ứng thực phẩm chính cho toàn cầu. Đây là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với nhiều vườn cây trĩu trái, rừng nước lợ, rừng ngập mặn rộng lớn với các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay diện tích sản xuất lúa vùng ĐBSCL ước đạt 3,9 triệu ha và năng suất ước, cung ứng khoảng hơn 23 triệu tấn lúa/năm. Còn về cây ăn trái, ước sản lượng các loại cây ăn trái chính như xoài, chuối, thanh long, khóm, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít… toàn vùng đạt gần 5,5 triệu tấn/năm. Tính chung đến nay, vùng ĐBSCL đang đóng góp khoảng hơn 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại…
Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu khẩu gạo bình quân đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%. Năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn sẽ duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ĐBSCL đóng góp là 7,6 triệu tấn gạo.
Không dừng lại đó, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bổ sung vào giỏ thực phẩm toàn cầu lượng lớn nhóm hàng hoá là tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuộc, cua ghẹ và giáp sát, thuỷ hải sản khác tương ứng giá trị 2 tỷ USD. Điều đáng nói là tốp 5 địa phương có sản lượng nuôi trồng thuỷ hải sản cung ứng cho thị trường toàn cầu nhiều nhất tập trung tại vùng ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, thấy rõ vai trò quan trọng của ĐBSCL, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 vào năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện nghị quyết này trong những năm qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất – sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng.
Do đó, hội thảo hôm nay rất có ý nghĩa và cần những ý kiến góp ý, hiến kế tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm để các địa phương, ngành chức năng chung tay bảo vệ vùng ĐBSCL trước biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến tâm huyết và chia sẻ các tham luận tập trung vào các giải pháp bảo vệ vùng ĐBSCL trước biến đổi khí hậu. PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ trình bày tham luận các tác động hạn hán, xâm nhập mặn đến canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và cấp nước sinh hoạt tại khu vực ven biển ĐBSCL.
PGS. TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam trình bày tham luận về định hướng các giải pháp thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp và dân sinh vùng ĐBSCL.
GS. TS. Ngô Đức Tuấn, Đại học Melbourne, Úc trình bày về giải pháp công nghệ xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng và đô thị ứng phó biến đổi khí hậu.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trình bày về chuyển đổi kinh tế xanh kết hợp nâng cao sức chịu đựng thiên tai của doanh nghiệp và năng lực thích ứng của cộng đồng tại khu vực ĐBSCL.