TP Hồ Chí Minh

Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước

- Thứ Ba, 06/10/2020, 06:24 - Chia sẻ
Để bảo đảm bền vững về nguồn cấp nước, theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần có một chiến lược phát triển cấp nước lâu dài và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang là nguồn cấp nước chủ yếu cho sinh hoạt của TP Hồ Chí Minh (94%). Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, tình trạng lấn chiếm, xả rác bừa bãi, khai thác nước ngầm quá mức, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống kênh rạch… đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

Kết quả điều tra mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho thấy, chất lượng nước sông Sài Gòn từ Hóa An về Cát Lái đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Trong đó, nước của sông Sài Gòn ở phần thượng nguồn từ Bình Phước trở lên đạt tiêu chuẩn nguồn loại A và từ Bình Phước trở xuống đến điểm đổ ra sông Đồng Nai, nước chỉ đạt chuẩn nguồn loại B, nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm vi sinh cao.

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải giúp tiết kiệm nguồn nước.
Nguồn: ITN

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nhận định, dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn nhìn chung biến động và có xu hướng xấu hơn. Các chỉ tiêu như hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng.

Trong báo cáo mới đây của Chính phủ về tình hình ô nhiễm môi trường nước tại một số dòng sông lớn cũng cho thấy, nhiều đoạn hạ lưu ở sông Sài Gòn ô nhiễm vượt mức cho phép. Theo đó, kết quả quan trắc ở các khu vực này có thông số COD, BOD5, Amoni vượt giá trị giới hạn. Cụ thể, các điểm quan trắc tại cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm), cầu Chữ Y (kênh Tàu Hũ - Bến Nghé), cầu An Lộc (kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật) và cảng Phú Định (sông Chợ Đệm) chất lượng nước vẫn ở mức xấu.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước mặt. Theo đó, dù 14/14 khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường nhưng trên địa bàn thành phố còn hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư không có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

Chưa kể, hiện TP Hồ Chí Minh mới chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, xử lý được khoảng 300.000m3 nước thải sinh hoạt, chiếm khoảng  25% tổng nước thải sinh hoạt của thành phố. Do đó, một phần nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra hệ thống kênh rạch và chảy vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Ngoài ra, đến nay, TP Hồ Chí Minh chưa có trạm quan trắc nước mặt tự động nên không đánh giá, phân tích, theo dõi kịp thời diễn biến chất lượng nguồn nước mặt.

Cần có quy hoạch tổng thể

Để bảo đảm bền vững về nguồn cấp nước, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, thành phố cần có một chiến lược phát triển cấp nước lâu dài và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn phục vụ công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

“Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của các công ty cấp nước mà cần phải có sự định hướng của chính quyền và sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan. Đồng thời, cần có quy hoạch phát triển, khai thác, cân đối sử dụng nguồn nước hợp lý, bảo đảm sự phân phối hài hòa nguồn nước sạch cho các nhu cầu sinh hoạt của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay” - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho hay, trên cơ sở kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nguồn nước, thành phố cần xây dựng, ban hành chiến lược bền vững về nguồn tài nguyên nước; bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước ngầm, cả lượng và chất. Theo đó, triển khai Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP Hồ Chí Minh, đến năm 2021, thành phố sẽ có 12 trạm quan trắc môi trường nước tự động, trong đó, 8 trạm trên sông Đồng Nai và Sài Gòn, 4 trạm trên hệ thống kênh rạch.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng cần tăng cường và tranh thủ sự hợp tác của quốc tế, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để thực hiện trồng rừng, phát triển nguồn tài nguyên nước trên khu vực đầu nguồn, bảo đảm khả năng sinh thủy, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Xây dựng kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước nhằm thay đổi cách nhìn nhận về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước...

Vân Phi