Chiều 13.1, Kho bạc Nhà nước (KBNN) họp báo về kết quả trọng tâm năm 2024 của hệ thống Kho bạc dưới sự chủ trì của Phó Tổng giám đốc Trần Thị Huệ.
Đại diện KBNN cho biết, năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Tài chính, KBNN đã chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức làm công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm bảo chi ngân sách chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, kịp thời ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Thông qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài khóa, đảm bảo nguồn lực ngân sách được phân bổ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Tính đến hết ngày 31.12.2024, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên đạt 1.168.542 tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán, cao hơn 165.208 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng mức tăng 7,4% về tỷ lệ so với dự toán.
Lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 là 540.534,3 tỷ đồng; bằng 79,5% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về tiến độ giải ngân đầu tư công những ngày đầu năm 2025, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN, cho biết, giải ngân đầu tư công qua hệ thống Kho bạc đến nay ước đạt 85,5%. Dự kiến đến ngày 31.1.2025, tỷ lệ giải ngân đầu tư công sẽ đạt 92 - 92,5%.
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 95% nguồn vốn đầu tư công. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến cuối tháng 12.2024 vẫn còn 30 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Một số cơ quan trung ương giải ngân bằng 0% hoặc rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (2,1%), Ủy ban dân tộc (6,87%), Đại học quốc gia Hà Nội (10,31%), Bộ Y tế (15,43%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (17,78%)…
Một số địa phương giải ngân dưới 50% như Kon Tum (41,45%), Kiên Giang (41,8%), Bình Phước (49,82%).
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn với trên 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng phủ giao cho cả nước. Tuy nhiên, thành phố hiện mới giải ngân trên 51% và điều này ảnh hưởng nhiều tới kết quả giải ngân chung của cả nước.