Trước hết cần khẳng định, thời Lý chính là thời Phục hưng của văn hóa Đông Sơn, văn hóa thời Hùng Vương dựng nước, An Dương Vương giữ nước, Hai Bà Trưng cứu nước (thế kỷ VII TCN - thế kỷ I). Rõ ràng, thạp gốm hoa nâu Lý có dáng và chức năng giống thạp đồng Đông Sơn; cũng giống như An Dương Vương, các vua Lý ban phát trống đồng cho các thủ lĩnh miền núi. Hội thề hàng năm tại đền thờ thần Trống đồng thời Lý là một sự phục hưng hội thề với sự chứng giám của thần trống đồng thời Đông Sơn.
Múa rối nước trong Tết Trung thu thời Lý là sự phát triển của múa rối nước thời An Dương Vương, trong đó bốn loại con rối trong màn rối nước: rùa Vàng, tiên; chim và hươu chính là bốn biểu tượng lớn trên mặt chiếc trống đồng Đông Sơn cổ và đẹp nhất hiện còn (trống Ngọc Lũ). Lý Nhân Tông ban cho Thái úy Lê Bá Ngọc, ngườiđược giao trấn giữ cung điện đề phòng bạo loạn và khi Thần Tông lên ngôilà người truyền chỉ dụ của vua họ Trương, được coi là “Thiên tính” (họ Trời), một biến thể củahọ Trưng của Hai Bà Trưng, gốc là từ Yang chỉ Thần - Trời trong tiếng Việt cổ. Thời Lý cũng là thời phục hồi mạnh mẽ tục xăm mình hình rồng thời Đông Sơn...
Những điều nêu trên cho thấy vào thời Lý, truyền thống Đông Sơn vẫn còn khá sâu đậm trong tâm thức người Đại Việt. Với tâm thức đó, các nghệ nhân thời Lý Thánh Tông đã tạo ra các điêu khắc rồng ở chùa Phật Tích với những bộ phận cơ thể mang cội nguồn và thần thái Đông Sơn rõ rệt; đồng thời cũng tương đồng và không kém các biểu tượng rồng Phật giáo Ấn Độ, rồng Nho giáo - Đạo giáo Trung Hoa.
Đầu
Rồng Trung Hoa có đầu giống đầu lạc đà, ngựa, sư tử, cá sấu. Đầu rồng Lý giống đầu cá sấu. Thời Đông Sơn, cá sấu (giao long) là vật tổ của một số nhóm dân vùng ven sông biển. Hình rồng - cá sấu, biểu tượng cho sức mạnh vừa tạo sinh vừa hủy diệt của thần nước - thần mưa được thể hiện trên nhiều đồ đồng Đông Sơn, từ trống, thạp tới qua, rìu, khóa thắt lưng... Đặc biệt, thuyền trên trống Ngọc Lũ là dạng thuyền đầu rồng - đuôi chim, trong đó đầu rồng là đầu cá sấu cách điệu vươn cao, miệng há ra cho chim mỏ dài lao vào.
Rồng chùa Phật Tích cũng ngẩng cao đầu, miệng há to đón một viên ngọc bay vào. Viên ngọc đó, trong Phật giáo Ấn Độ là ngọc Như Ý, biểu tượng cho sự thông thái, lòng vị tha, của cải tinh thần có được nhờ thiền định và thực hành Phật pháp. Trong văn hóa cổ Trung Hoa, viên ngọc đó cũng là biểu tượng cho sức mạnh trí tuệ, sự bất tử gắn với mặt trăng, sấm chớp, mưa dông hay vòng Âm Dương Thái Cực.
Trong tâm thức Đông Sơn, rồng - cá sấu và chim là cặp biểu tượng âm - dương, trong đó chim mỏ dài là biểu tượng cho mặt trời. Hình chim bay quanh mặt trời trên mặt trống đồng còn là chim - sấm bởi trống đồng là “trống sấm”, tức trống đánh mô phỏng tiếng sấm trong lễ cầu mưa thường gắn với tục đua thuyền rồng - thuyền chim trên sông hồ. Vì thế, hình chim bay vào miệng cá sấu đầu thuyền thể hiện sự hòa nhập giữa thần sấm với thần nước để tạo ra mưa. Hình chim - sấm Đông Sơn có liên hệ cội nguồn với hình tượng Lôi Công - Thần Sấm có dạng vị thần mặt người, mỏ và móng chim, cánh dơi, mình mặc khố và đeo trống trong Đạo giáo Trung Hoa, vốn có nhiều yếu tố gốc Bách Việt.
Rõ ràng, hình rồng thời Lý há miệng đón ngọc là một phiên bản của hình rồng - cá sấu Đông Sơn há miệng đón chim. Từ đó, rồng thời Lý có miệng ngậm ngọc khác với rồng phương Bắc thường dùng vuốt giữ ngọc hay vờn ngọc.
Mắt
Tượng ếch chỉ xuất hiện trên trống Đông Sơn muộn, cỡ cực lớn. Tại đó, ếch là biểu tượng cho thần sấm - thần mưa - thần trống đồng - thần của sự sinh sôi nảy nở, sự tốt lành, may mắn. Với người trồng lúa Đông Sơn, đó chính là vật tổ rồng - ếch.
Có thể thấy, mắt rồng thời Lý thường to, tròn, hơi lồi, rất gần với mắt ếch Đông Sơn. Mắt rồng Trung Hoa thường được coi là giống mắt thỏ hay mắt quỷ (?), con nào mắt tròn hơi lồi lại được ví với mắt tôm.
Sừng
Sừng của rồng chùa Phật Tích thường được mô tả là có hình omega - ω (chữ cuối cùng trong bộ chữ cái Hy Lạp). Đúng hơn, đó là hình mây cuốn hay hình sừng xoáy ốc, tương ứng với hình rùa cách điệu có trên đầu ngói thành Cổ Loa và các tấm đồng trang sức - bùa thiêng đính vào lễ phục thời Đông Sơn. Thời An Dương Vương, rùa là hiện thân cho vật tổ rồng của hoàng tộc Âu Lạc, sau trong truyền thuyết hóa thành Thần Rùa Vàng.
Vòi
Có người tin rằng vòi của rồng thời Lý có gốc từ vòi voi của rồng Makara Ấn Độ cũng có đầu cá sấu, vòi voi. Thực ra, vào cuối thời Đông Sơn, sự phát triển của nghề thuần dưỡng voi dùng để kéo gỗ, đánh trận đã dẫn đến sự phát triển của tín ngưỡng thờ vật tổ voi ở vùng núi Thanh - Nghệ. Từ đó, biểu tượng - vật tổ voi xuất hiện trên khá nhiều di vật Đông Sơn ở đây như chuông, kiếm ngắn, chân đèn... Đặc biệt, trên cán kiếm ngắn Làng Vạc có hình rắn ngậm chân voi thể hiện sự hòa hợp của hai biểu tượng này.
Voi là con vật ưa nước, thích hút và phun nước như mưa. Hình voi vươn vòi phun nước là một biểu tượng của sông nước, mây mưa, tốt lành và may mắn. Tượng voi cùng tượng ếch thể hiện thần mưa xuất hiện trên mặt một số trống đồng muộn ở vùng núi Thanh Hóa như trống Ngọc Liên và Hồi Xuân.
Theo truyền thống Đông Sơn ấy, rồng ở chùa Phật Tích có vòi vươn cao trong hình lá đề của Phật giáo, nhưng kéo dài và uốn thành nhiều khúc nhỏ dần như dáng rồng - rắn, thể hiện tính hòa hợp của hai biểu tượng voi - rắn.
Thân, lưỡi và răng nanh
Đặc trưng nổi bật nhất của rồng thời Lý nói chung là có thân tròn, thon, dài, uốn lượn nhiều khúc như hình sóng nước và hình thân rắn vận động. Rồng cũng có lưỡi và răng nanh như rắn, nhưng hơn nữa, uốn lượn như mình rắn.
Rắn chính là vật tổ - biểu tượng rồng của người Lạc Việt từ cuối thời Đông Sơn đến thời Đinh - tiền Lê. Bằng chứng khảo cổ học là hai thanh kiếm ngắn trên cán có tượng đôi rắn ngậm chân hổ và đôi rắn ngậm chân voi cùng các vòng tay hình rắn tìm thấy ở Làng Vạc.
Còn bằng chứng dân tộc học là các truyền thuyết về hai vị thần sông - thần rắn nước có tên dân gian là ông Dài - ông Cụt ở 5 tỉnh ven sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Thương, sau được nhân hóa và lịch sử hóa thành Trương Hống và Trương Hát. Theo truyền thuyết, hai ông vốn là hai tướng của Triệu Quang Phục. Khi vua mất, hai ông không làm quan cho Lý Phật Tử mà tự vẫn, trở thành thần thánh hiển linh báo mộng âm phù cho Ngô Quyền đánh bại giặc Nam Hán, cho Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc Tống, từ đó được phong là Đô hộ quốc thần vương = Vua Thần hộ quốc. Bài thơ “Thần” - được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, được tin là đã vang lên như lời sấm truyền từ đền của hai Ngài.
Tóm lại, vào thời Lý, rồng là biểu tượng không chỉ cho vương quyền và thần quyền nhà Lý mà còn cho sự thống nhất của đất nước - dân tộc - văn hóa Đại Việt. Với tinh thần đó, biểu tượng rồng thời Lý là một sự tổng hòa các biểu tượng rồng Đông Sơn mang bản sắc dân tộc với các biểu tượng rồng của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo mang xu thế thời đại.