Trong khuôn khổ triển lãm “Chạm khắc đình trong phố” đang diễn ra tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, Hà Nội, sáng 7.12, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức tọa đàm chủ đề “Giải mã biểu tượng sen hóa La Hầu”.
PGS.TS. Đinh Hồng Hải - chuyên gia nghiên cứu văn hóa và mỹ thuật cổ truyền cho biết, mọi người hay nhắc tới sao La Hầu, hạn La Hầu… theo góc nhìn về chiêm tinh học. Tìm hiểu sâu về góc độ văn hóa, có thể thấy hình tượng La Hầu trong văn hóa Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Hoa. Tuy nhiên, người Việt đã có những tiếp biến, dân gian hóa biểu tượng này.
Hình ảnh La Hầu xuất hiện nhiều trong các trang trí kiến trúc và hiện vật chạm khắc, được phổ biến trên hầu hết không gian tín ngưỡng như đình, đền, miếu, cho đến các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, sập đá bia đá…
So với hệ thống thần linh và linh vật trong văn hóa Việt, đồ án La Hầu hình thành tương đối muộn, từ thời Lê Trung Hưng và phát triển mạnh vào thời Nguyễn, qua đó khẳng định nghệ thuật trang trí cổ truyền Việt Nam, thể hiện tâm hồn dân tộc.
Qua những công trình kiến trúc, hiện vật, có thể thấy những dạng thức trang trí khác nhau, trong đó nổi bật là sen hóa La Hầu. Theo TS. Trần Hậu Yên Thế - nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật và các biểu tượng nghệ thuật dân gian: sen là hình tượng đặc trưng, biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Tiếp thu văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, biểu tượng Rahu hay Kala, Hổ phù đã được Việt hóa, tạo nên sự gần gũi đời thường, mang khuynh hướng “giải thiêng”…
Tọa đàm cũng đi sâu vào một khám phá độc đáo trong dự án khảo sát di tích ở phố cổ Hà Nội - hình tượng sen hóa La Hầu xuất hiện trên hệ thống cửa võng của đình Kim Ngân. Đây là một chủ đề kết hợp giữa mỹ thuật truyền thống, tín ngưỡng và kiến trúc dân gian, mang lại nhiều góc nhìn thú vị. Phát hiện này cũng mở ra những ý tưởng nhận diện giá trị cũng như bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống phục vụ đời sống đương đại.