Quan hệ Mỹ - Ấn Độ

Giai đoạn thử thách

- Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:31 - Chia sẻ
Quan hệ Mỹ - Ấn Độ, vốn được phát triển nồng ấm trong những đời tổng thống gần đây, đang phải trải qua giai đoạn thử thách nghiêm trọng sau vụ bắt giữ một nhà ngoại giao của Ấn Độ tại New York tuần trước.

Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, bà Khobragade, Phó tổng lãnh sự của Ấn Độ tại New York đã bị các nhà chức trách tại đây bắt giữ vì bị cáo buộc gian lận visa, bóc lột sức lao động của người giúp việc nhà và trông trẻ. Không hề được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao theo Công ước Viene, bà đã bị còng tay ngay nơi công cộng khi đang trên đường đưa con đi học, bị bắt cởi đồ để khám xét, bị lấy mẫu ADN và bị tạm giữ tại khu vực tội phạm chung gồm cả những đối tượng nghiện ma túy và mại dâm. Mặc dù sau đó đã được tại ngoại vì nộp bảo lãnh 250 ngàn USD nhưng bà Devyani vẫn sẽ phải ra hầu tòa vào tháng 1 năm sau. Nếu bị định tội, bà có thể phải chịu mức án 15 năm tù.


Người Ấn Độ phẫn nộ trước việc một nhà ngoại giao nước này bị Mỹ bắt giữ và đối xử thô bạo
Vụ bắt giữ trên đã bị nhiều người Ấn Độ coi là một sự sỉ nhục lớn và dấy lên làn sóng phản đối ở nước này, đồng thời khiến quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Ngay sau khi vụ việc nổ ra, các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ trong đó có Chủ tịch Hạ viện Meira Kumar, Cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon, Bộ trưởng Nội vụ Sushilkumar Shinde, Phó Chủ tịch đảng Quốc đại Rahul Gandhi, Thủ hiến bang Gujarat Narendra Modi, đã từ chối gặp phái đoàn Quốc hội Mỹ đang ở thăm Ấn Độ. Trước đó, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Sujatha Singh đã triệu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, bà Nancy Powell, tới để trao công hàm phản đối.

Ngoài ra, Ấn Độ đề nghị tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự Mỹ đóng tại Ấn Độ trả lại thẻ căn cước do Ấn Độ cấp; rút quy chế miễn trừ với tất cả phái viên ngoại giao Mỹ trên toàn quốc; dỡ bỏ những rào chắn an ninh bằng bê tông được bố trí trên những con đường dẫn đến Đại sứ quán Mỹ...

Trước phản ứng dữ dội từ New Delhi, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã buộc phải thừa nhận đây là vấn đề nhạy cảm, và đích thân Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Ấn đang có chung định hướng: Mỹ đang thực hiện chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình dương, còn Ấn Độ cũng khẳng định chính sách hướng Đông của mình, khiến hai nước cùng có nhu cầu tìm kiếm sự đồng thuận trong lợi ích cho cả hai bên tại khu vực và thế giới.

Ấn Độ, một trong những nước mới nổi trong những năm vừa qua, và có vị thế quan trọng trên bản đồ kinh tế và chính trị toàn cầu. Trong khi Mỹ, tuy đã suy yếu sau khủng khoảng kinh tế - tài chính năm 2008, nhưng vẫn là nền kinh tế số một thế giới.

Thực tế là, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã ấm lên rất nhiều kể từ thời Tổng thống George W. Bush. Lúc đó hai bên đã ký một thỏa thuận đầy tranh cãi nhưng lại mang tính biểu tượng cho phép Mỹ bán công nghệ hạt nhân dân sự cho Ấn Độ. Đến thời Tổng thổng Obama, chính quyền của ông cũng quan tâm phát triển quan hệ này lên tầm cao mới. Khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2, ông đã khẳng định chính sách đối ngoại đưa Ấn Độ trở thành đối tác hợp tác chiến lược của Mỹ, giành được vị thế ngang hàng với Anh, đồng minh châu  u lâu đời của Mỹ.

Trong những năm vừa qua, các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên tích cực thăm viếng lẫn nhau, lúc thì Tổng thống Obama sang Ấn Độ, lúc Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh lại tới Washington và lần gần đây nhất là chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tháng 7.2013. Trong chuyến đi này, ông Kerry đã khẳng định New Dehli là một phần quan trọng trong chiến lược tăng cường trở lại châu Á - Thái Bình dương của Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Pakistan luôn trắc trở, việc đẩy mạnh quan hệ Mỹ - Ấn càng củng cố thêm lợi ích của Mỹ ở Nam Á. Hơn nữa, Ấn Độ có vị thế địa chiến lược trong quan hệ với 4 nước mà Mỹ đang quan tâm hiện nay là: Afghanistan, Pakistan, Myanmar và nhất là Trung Quốc. Trước sự lớn mạnh không ngừng của đất nước gấu trúc, Mỹ muốn kết thân với New Delhi để làm đối trọng và cũng để duy trì, bảo đảm vị thế của mình ở khu vực châu Á. Những lợi ích khác cũng khiến Washington quan tâm. Dù Ấn Độ không phải là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng với nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất ở Châu Á, dân số đông và nền kinh tế tự do, đất nước này ngày càng có sức hút lớn hơn với các nhà đầu tư Mỹ. Kể từ năm 2006, thương mại hai chiều đã tăng gấp 4 lần, đạt gần 100 tỷ USD năm 2013. Và trong thập kỷ qua, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Ấn Độ đã tăng kỷ lục, từ khoảng 100 triệu USD lên hàng tỷ USD mỗi năm. Ấn Độ hiện cũng tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Quan trọng hơn, Ấn Độ cần Mỹ như một điểm tựa quan trọng giúp New Dehli bảo đảm sự cân bằng về an ninh trong khu vực. Mối quan hệ căng thẳng phức tạp và luôn biến động giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan, buộc Ấn Độ phải có những tính toán nhất định và cẩn trọng. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng không thể sớm đạt được mục tiêu trở thành trụ cột trong cấu trúc an ninh và ngoại giao toàn cầu nếu không có sự can dự tích cực của Mỹ.

Có thể thấy, trước mối quan hệ cốt yếu như vậy, sự việc mới đây sẽ chỉ là thử thách ngắn hạn mà chắc chắn Washington và New Delhi sẽ tìm cách tốt nhất để vượt qua để không bị ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của đôi bên.

Tóm tắt các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao
(Căn cứ Công ước Viene về quan hệ ngoại giao năm 1961)  

 - Quyền bất khả xâm phạm về thân thể: Đây là một trong những quyền cốt yếu và cơ bản nhất đối với cán bộ ngoại giao. Họ không bị bắt, giam giữ, đánh đập; không bị xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự; nước tiếp nhận có trách nhiệm đối xử lịch thiệp đối với họ và áp dụng mọi biện pháp thích hợp để ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm đến thân thể, tự do và nhân cách của họ.

- Quyền bất khả xâm phạm đối với trụ sở, nhà ở và tài sản khác

- Quyền bất khả xâm phạm đối với hồ sơ, tài liệu, thư tín và vật dụng lưu trữ

- Quyền bất khả xâm phạm đối với túi ngoại giao

- Quyền về thông tin liên lạc

- Quyền miễn xét xử hình sự

- Quyền được miễn xét xử về dân sự và hành chính, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến bất động sản tư nhân ở nước tiếp nhận, thừa kế mà người đó có dính líu, hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại do người đó thực hiện tại nước tiếp nhận.

- Quyền miễn trách nhiệm pháp lý đối với việc làm chứng

- Quyền phản tố: Nếu khởi một vụ kiện tại nước tiếp nhận thì viên chức ngoại giao đó không còn có quyền đòi hỏi được miễn trừ xét xử đối với bất kỳ một phản tố liên quan trực tiếp đến họ. Trường hợp này, họ cũng phải tự rút bỏ quyền được ưu đãi, miễn trừ của mình.

- Quyền được miễn thuế và lệ phí, trừ những loại thuế trực thu, thuế môn bài (hiện nhiều nước áp dụng trên cơ sở có đi có lại), thuế và lệ phí đánh vào bất động sản tại nước tiếp nhận trừ phi tài sản đó được sử dụng chính thức cho cơ quan đại diện.

- Quyền được miễn thuế hải quan

- Quyền được miễn khám xét hành lý cá nhân, trừ khi nhà đương cục khẳng định là trong kiện hành lý đó có chứa đựng những đồ vật cấm nhập, cấm xuất hoặc vượt quá phạm vi ưu đãi cho phép.

- Quyền tự do đi lại trên lãnh thổ nước tiếp nhận trừ những khu vực quy định cấm vì lý do an ninh quốc gia hoặc khu vực hạn chế chung. Các cơ quan lãnh sự và viên chức lãnh sự được hưởng ưu đãi, miễn trừ theo Công ước Viên về quan hệ lãnh sự (1963), về cơ bản tương tự ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

Linh Anh
Tổng hợp