Giai điệu tự hào tháng 12: Đất nước lời ru - Người mẹ chiến sĩ

Với chủ đề "Đất nước lời ru - Người mẹ chiến sĩ", chương trình "Giai điệu tự hào" tháng 12 sẽ được phát sóng vào lúc 20h10 ngày 8.12 trên kênh VTV1

Giữa những năm tháng đất nước chìm trong lửa đạn, mẹ không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho những đứa con nơi tiền tuyến, mà còn âm thầm cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từng chiếc áo mẹ vá, từng nắm cơm mẹ gói gửi ra chiến trường đều chứa đựng tình thương và lòng yêu nước vô bờ. Mẹ gửi con ra trận với trái tim đầy tự hào, dù biết rằng ngày con trở về có thể không bao giờ đến.

Sự kiên cường và tình yêu bao la của mẹ chính là nguồn sức mạnh vô hình, tiếp nối qua từng thế hệ, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Người mẹ Việt Nam kháng chiến chính là biểu tượng thiêng liêng của sự hy sinh và cống hiến vô điều kiện.

cats-4.jpg
Chương trình là lời tri ân những bà mẹ Việt Nam - biểu tượng của sự hy sinh cao cả và tình yêu nước nồng nàn. Nguồn: VTV

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 12 do Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị và Ban Sản xuất các chương trình giải trí VTV3 phối hợp thực hiện hướng tới 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân. Chương trình gồm 3 chương: Đất nước lời ru, Con đường của những vì sao; Mẹ Việt Nam anh hùng. Mỗi phần khắc họa một giai đoạn lịch sử và hình ảnh người mẹ Việt Nam trong chiến tranh và thời bình.

"Đất nước lời ru - Người Mẹ chiến sĩ" là lời tri ân đến những bà mẹ Việt Nam - biểu tượng của sự hy sinh cao cả và tình yêu nước nồng nàn trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc với sự tái hiện hành trình đầy tự hào của dân tộc qua những phóng sự. Những phóng sự là mảnh ghép chân thực về nỗi đau, lòng kiên cường và tình yêu bất diệt của người mẹ dành cho những người con.

Đó là phóng sự về mẹ Việt Nam anh hùng Má Sáu Ngẫu - người đã trao tấm bản đồ giúp quân ta tiến thẳng vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Phóng sự “Người mẹ nuôi đặc biệt" mở ra cho khán giả thấm đẫm hơn những nỗi đau thương và mất mát khi phải tiễn người lính đi xa. Dù nỗi đau có vẫn hiện hữu, tình người và lòng nhân ái sẽ là nguồn động viên to lớn giúp mọi người vượt qua khó khăn, giống như tình bạn, tình đồng chí đã giúp những người lính giúp mẹ vượt qua nỗi đau mất con.

Phóng sự cuối chương trình sẽ dẫn dắt khán giả đến câu chuyện của các chiến sĩ Bộ đội Công binh thời bình, giúp dân trong cơn siêu bão Yagi vừa qua. Dù có hi sinh, mất mát nhưng vẫn luôn kiên cường với 1 mục đích cao cả, mệnh lệnh tôn chỉ: vì nước, vì dân.

cats3-1.jpg
Họa sỹ Đặng Ái Việt đã dành hơn 20 năm rong ruổi khắp 63 tỉnh, thành phố để vẽ chân dung hơn 2.400 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nguồn: VTV

Xuất hiện trong chương trình sẽ có những nhân vật đặc biệt, là biểu tượng cho lòng dũng cảm và sự chăm lo của những người mẹ Việt Nam cho quân đội. Đó là câu chuyện của bà Lương Thị Tới và bà Lương Thị Đỡ, những người mẹ ở Đa Mai, Bắc Giang, nổi tiếng với việc khâu vá áo cho chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Hai bà kể lại những kỷ niệm về việc cùng chị em trong Hội mẹ chiến sĩ làm việc không ngừng nghỉ, bất chấp hoàn cảnh bom đạn khốc liệt, nơi mình tay các bà đã khâu lên 2.500 tấm áo cho chiến sĩ ngoài chiến trường, cùng nhiều chiến công khác.

Tiếp đến, chương trình sẽ đưa khán giả đến với cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Đặng Ái Việt, người phụ nữ đã dành hơn 20 năm rong ruổi khắp 63 tỉnh, thành phố để vẽ chân dung hơn 2.400 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hành trình vẽ chân dung mẹ của bà đã trở thành một câu chuyện đầy xúc cảm về lòng biết ơn và tình yêu quê hương.

Lý giải cho sức mạnh và nội lực phi thường đã giúp họa sỹ Đặng Ái Việt vượt qua giới hạn của sức khỏe và tuổi tác chắc hẳn phải đến từ những giá trị thiêng liêng. Họa sĩ chia sẻ câu chuyện về hành trình nghệ thuật đặc biệt của mình, khi khắc họa hình ảnh của những bà mẹ với lòng biết ơn sâu sắc.

Một trong những điểm nhấn của chương trình là câu chuyện của bà Lê Thị Minh Thủy từ Khánh Hòa - Mẹ Việt Nam anh hùng trẻ nhất Việt Nam, đã mất cả chồng và con trong quá trình huấn luyện bay. Câu chuyện của Mẹ Thủy là lời nhắc nhở đầy ý nghĩa, lan tỏa tình yêu đất nước, sự hy sinh không chỉ trong chiến tranh mà còn cả trong thời bình.

Những kỷ vật quý giá như bộ quần áo bay của chồng và đồng hồ của con trai, những bức thư hay cuốn nhật ký ghi chép hàng ngày vẫn luôn được Mẹ Thủy giữ gìn như những bảo vật, sẽ được chia sẻ trong cuộc trò chuyện đầy cảm xúc trong Giai điệu tự hào tháng 12.

cats1-4.jpg
Chương trình sẽ có nhiều tiết mục âm nhạc đặc sắc. Nguồn: VTV

Sân khấu âm nhạc sẽ trình diễn những tiết mục đặc sắc, làm nổi bật những giá trị truyền thống, tình yêu quê hương và sự hy sinh của những người mẹ trong quá khứ cũng như hiện tại. Với 8 ca khúc quen thuộc, thấm đẫm tình cảm mẫu tử như: Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Tấm áo chiến sĩ Mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý), Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Phạm Minh Tuấn), Người mẹ của tôi (Xuân Hồng), Anh về với Mẹ là một hình hài khác, Hãy yên lòng mẹ ơi (Lư Nhất Vũ), Một vòng Việt Nam (Đông Thiên Đức) được phối khí bởi nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng với phong cách mới.

Chương trình cũng có sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến như: NSND Tấn Minh, NSND Hồng Hạnh, NSƯT Tân Nhàn, NSƯT Lệ Giang, tốp nam Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, ca sĩ Thế Dũng, Nguyễn Ngọc Anh, nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh, nhóm OPlus cùng với các nhóm múa chuyên nghiệp đưa đến cho khán giả những màn trình diễn đầy cảm xúc.

Văn hóa - Thể thao

Khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025
Văn hóa - Thể thao

Khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025

Với chủ đề "Thực học", Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 khai mạc chiều 23.1, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 47 người viết thư pháp Hán - Nôm và quốc ngữ tham gia Hội chữ mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành trong mùa xuân mới.

Họa sĩ trẻ kể chuyện con giáp
Văn hóa - Thể thao

Họa sĩ trẻ kể chuyện con giáp

Triển lãm "12 con giáp" của họa sĩ Đặng Việt Linh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đầu tháng 1.2025 thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật. Bộ tranh được thực hiện từ năm Quý Tỵ 2013 đến năm Ất Tỵ 2025, mang đến góc nhìn mới mẻ về hình tượng con giáp trong văn hóa Á Đông.