Photo sách có vi phạm bản quyền tác giả?

Xin hỏi, hành vi photo sách giáo khoa, giáo trình có vi phạm pháp luật hay không? Nếu vi phạm thì mức phạt như thế nào? – Câu hỏi của bạn Minh Ngọc (Bắc Ninh).

Photo sách có vi phạm bản quyền tác giả? -0
Ảnh minh hoạ/ITN

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Luật sở hữu trí tuệ có quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả tại Điều 14, cụ thể như sau:

“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.”

Như vậy theo quy định nêu trên, sách giáo trình, sách giáo khoa hoặc các loại sách nghiên cứu chuyên ngành khác đều được xếp vào loại hình các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Đồng thời tại Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ hợp nhất năm 2019 quy định những hành vi xâm phạm quyền tác giả, bao gồm như sau:

“6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này”.

Tại điểm a, điểm đ, khoản 1, Điều 25, Luật sở hữu trí tuệ quy định:

“Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;”

Đối chiếu với quy định nêu trên, photo sách là một trong những hình thức sao chép tác phẩm và nó được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm đ, khoản 1, Điều 25, Luật sở hữu trí tuệ.

Mức xử phạt đối với hành vi sao chép sách

Căn cứ tại Điều 18, Nghị định số 131/2013/NĐ – CP về quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì hành vi sao chép sách trái phép khi không được phép của chủ sở hữu sẽ bị xử phạt như sau:

“Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Điều này.”

Đồng thời tại khoản 2, Điều 2, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP cũng quy định:

“2. Khung phạt tiền quy định tại Chương II, Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 5; Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều 7, Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.”

Theo đó, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân và bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc dỡ bỏ bản sao, bản photo tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm ở đây là sách.

Giải đáp pháp luật

Nguồn ảnh: ITN
Giải đáp pháp luật

Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội có được hưởng trợ cấp một lần khi ra nước ngoài định cư không?

Từ 1.7.2025, người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nếu ra nước ngoài để định cư có được hưởng trợ cấp một lần không? Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần đối với người ra nước ngoài định cư? – Câu hỏi của bạn Minh Thùy (Hà Tĩnh).

Công dân được trực tiếp thực hiện quyền giám sát trong quản lý, sử dụng đất qua hình thức nào?
Giải đáp pháp luật

Công dân được trực tiếp thực hiện quyền giám sát trong quản lý, sử dụng đất qua hình thức nào?

Xin hỏi, theo quy định của Luật Đất đai 2024, công dân được trực tiếp thực hiện quyền giám sát trong quản lý, sử dụng đất thông qua hình thức nào? Nội dung giám sát của công dân trong quản lý, sử dụng đất đai gồm những gì?– Câu hỏi của bạn Phạm Lập (Bắc Giang).

Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định dựa trên những nguyên tắc nào?
Giải đáp pháp luật

Mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định dựa trên những nguyên tắc nào?

Xin hỏi, từ ngày 1.7.2025, mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định dựa trên những nguyên tắc nào? Bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện được chi trả theo hình thức nào? Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì? – Câu hỏi của bạn Lan Phương (Vĩnh Phúc).