Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Quy định của pháp luật về việc chuyển đổi giấy phép lái xe cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 37, Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, người nước ngoài là một trong những đối tượng được đổi giấy phép lái xe:
“5. Đối tượng được đổi giấy phép lái xe:
…
g) Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam, có giấy chứng minh thư ngoại giao, giấy chứng minh thư công vụ, thẻ tạm trú, thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ thường trú với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;
…”
Căn cứ theo khoản 10, Điều 33, Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về sử dụng và quản lý giấy phép gửi xe:
“10. Người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau:
a) Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;
b) Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.”
Theo quy định trên, nếu bạn đã có giấy phép lái xe quốc gia do cơ quan thẩm quyền cấp thì bạn cần phải làm thủ tục chuyển đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Vào năm 2014, Việt Nam đã chính thức tham gia công ước về giao thông đường bộ (công ước Vienna 1968). Nhưng cho đến năm 2016, Việt Nam mới bắt đầu chuyển đổi và cấp giấy phép lái xe cho người nước ngoài có nhu cầu chuyển đổi.
Cụ thể, trong Công ước Vienna 1968 quy định như sau:
2. Quốc gia ký kết phải công nhận những lái xe sở hữu:
(a) Giấy phép nội địa được viết bằng ngôn ngữ chính thức hoặc một trong những ngôn ngữ chính thức của Quốc gia đang lưu thông, hoặc nếu không viết bằng ngôn ngữ như vậy thì phải đi kèm với bản dịch có chứng nhận;
(b) Giấy phép lái xe nội địa phù hợp với quy định Phụ lục 6 của công ước; và
(c) Giấy phép lái xe quốc tế phù hợp với quy định Phụ lục 7 của công ước;
được lái xe hợp lệ trên lãnh thổ của mình, miễn là giấy phép đó vẫn còn hiệu lực và được cấp bởi quốc gia ký kết hoặc phân khu chính trị khác hoặc bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó. Tất cả quy định trên không áp dụng cho giấy phép học lái.
Ngoài ra, Điều 11, Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT quy định về việc cấp, sử dụng Giấy phép lái xe quốc tế quy định như sau:
“1. Người có IDP do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam.
2. Người có IDP vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam mà bị tước quyền sử dụng IDP có thời hạn thì thời hạn bị tước không quá thời gian người lái xe được phép cư trú tại lãnh thổ Việt Nam.”
Đồng thời, Khoản 6, Điều 37, Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT và Thông tư 01/2021/TT-BGTVT quy định các trường hợp sau không được phép đổi giấy phép lái xe:
“6. Không đổi giấy phép lái xe đối với các trường hợp sau:
a) Giấy phép lái xe tạm thời của nước ngoài; giấy phép lái xe quốc tế; giấy phép lái xe của nước ngoài, quân sự, công an quá thời hạn sử dụng theo quy định, bị tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi giấy phép lái xe hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; giấy phép lái xe nước ngoài không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
…”
Như vậy, theo quy định trên, nếu bạn có Giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước Vienna về Giao thông đường bộ năm 1968 và còn thời hạn sử dụng thì bạn sẽ không phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam; nếu không thuộc các trường hợp đó, bạn cần làm thủ tục chuyển đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam để có thể tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam.