Hỏi - Đáp

Đăng ký khai sinh cho trẻ tại nơi sinh sống

Hỏi: Anh Nguyễn Văn H có hộ khẩu thường trú tại TP. Hồ Chí Minh, vợ anh là Ngô Thị N có hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh. Nhưng nhiều năm nay vợ chồng anh tạm trú, làm ăn tại tỉnh Bình Dương. Tháng 6.2021 chị N sinh con tại Bình Dương, nhưng chưa đăng ký khai sinh cho con. Do dịch Covid-19, vừa qua vợ chồng anh cùng đem con ra Hải Phòng ở với bố mẹ anh H.

Trong trường hợp này, trẻ có đăng ký khai sinh tại Hải Phòng được không?

Trả lời:

Về quyền đăng ký khai sinh của trẻ em, theo quy định tại Khoản 4, Điều 5, Luật Hộ tịch, về nguyên tắc cá nhân có thể đăng ký hộ tịch nói chung, đăng ký khai sinh nói riêng tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Về thẩm quyền đăng ký khai sinh, tại Điều 13, Luật Hộ tịch quy định UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ đều có thẩm quyền thực hiện đăng ký khai sinh.

Trong khi đó, về việc xác định nơi cư trú của người chưa thành niên, tại Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do tòa án quyết định.

Như vậy, trong trường hợp này, do anh H và chị N có hộ khẩu thường trú tại 2 tỉnh khác nhau, tuy đã có thời gian cùng cư trú tại tỉnh Bình Dương và sinh con ở đó, nhưng hiện tại lại cùng cư trú (tạm thời) tại Hải Phòng với cha mẹ anh H. Do đó, có thể coi Hải Phòng là nơi vợ chồng anh H “thỏa thuận lựa chọn” để làm nơi cư trú/sinh sống hiện nay của con (người chưa thành niên), theo quy định của Luật Cư trú. Mặt khác, căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 5, Luật Hộ tịch, “nơi sinh sống” thực tế hiện nay của trẻ em là Hải Phòng, nơi ông bà nội đang cư trú.

Từ những phân tích trên đây cho thấy, do hoàn cảnh dịch Covid-19, vợ chồng anh H, chị N không thể về nơi có hộ khẩu thường trú để đăng ký khai sinh cho con được. Do đó, vợ chồng anh H, chị N có thể đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp xã của Hải Phòng, nơi đang cư trú cùng ông bà nội của cháu bé (cha mẹ anh H) tiến hành đăng ký khai sinh cho con. Tuy nhiên, vợ chồng anh H phải thực hiện nghĩa vụ khai báo đăng ký cư trú cho cơ quan công an có thẩm quyền theo quy định.

Sau khi đăng ký khai sinh, Ủy ban Nhân dân cấp xã của Hải Phòng (nơi đã khai sinh) gửi thông báo kèm theo bản sao Giấy khai sinh của trẻ em cho Ủy ban Nhân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của anh Nguyễn Văn H (TP. Hồ Chí Minh) và chị Ngô Thị N (tỉnh Bắc Ninh) để ghi vào Sổ hộ tịch theo quy định.

_________

(Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Tư pháp, UNFPA và Vital Strategies)

Giải đáp pháp luật

Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không?
Giải đáp pháp luật

Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không?

Xin hỏi, trường hợp bị cho nghỉ việc cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không? Không trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đủ điều kiện hưởng thì bị phạt thế nào? – Câu hỏi của bạn Đức Huy (Hải Dương).

“Trợ lý ảo” báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số trong TAND tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của TAND tối cao.
Giải đáp pháp luật

Nâng hiệu quả xét xử nhờ trợ lý ảo

Những năm gần đây, ngành tòa án Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong công tác xét xử và hành chính tư pháp. Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc triển khai phần mềm trợ lý ảo tòa án, hỗ trợ cán bộ tòa án trong việc tra cứu văn bản pháp luật, giải quyết tình huống pháp lý và nâng cao hiệu quả xét xử.