Chồng di chúc tài sản chung cho người khác, vợ có quyền thừa kế nữa không?

Vợ chồng tôi cùng đứng tên thửa đất đã được cấp sổ đỏ năm 2016. Đến năm 2022, chồng tôi viết di chúc để lại cho một người cháu toàn bộ diện tích đất này. Năm 2023, chồng tôi mất, người cháu yêu cầu tôi bàn giao đất cho cháu sử dụng. Xin hỏi, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình? – Câu hỏi của bạn Bích Hương (Hưng Yên).

Chồng di chúc tài sản chung cho người khác, vợ có quyền thừa kế nữa không? -0
Ảnh minh họa/ITN

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Theo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thửa đất vợ chồng bạn mua và được cấp “sổ đỏ” từ năm 2016 được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn.

Cụ thể, tại khoản 1, điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1, Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.

Do được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn nên vợ chồng bạn có quyền ngang nhau trong việc định đoạt, sử dụng và về nguyên tắc thì mỗi người vợ, chồng bạn sẽ được xác định là có ½ quyền sử dụng đối với thửa đất. Như vậy, việc chồng bạn lập di chúc định đoạt cho người cháu được toàn quyền sử dụng thửa đất sau khi chồng bạn qua đời là vượt quá thẩm quyền định đoạt phần quyền sử dụng của bạn đối với thửa đất. Vì vậy, đối chiếu các quy định của pháp luật tại phần thừa kế thì di chúc của chồng bạn sẽ bị vô hiệu một phần.

Ngoài ra, mặc dù chồng bạn lập di chúc cho cháu được hưởng toàn bộ di sản thì theo quy định tại Điều 644, Bộ luật Dân sự 2015, bạn vẫn có quyền được hưởng phần quyền thừa kế của chồng đã chết để lại. Điều luật quy định như sau:

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Như vậy, mặc dù chồng bạn lập di chúc không để lại cho bạn phần quyền hưởng thừa kế sau khi chồng qua đời nhưng căn cứ theo các quy định của pháp luật nêu trên thì bạn vẫn được hưởng thừa kế tài sản từ sự kiện chồng bạn qua đời. Hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn bao gồm: bạn và các con của chồng bạn, cha, mẹ đẻ của chồng…Vì vậy, người cháu của chồng bạn không có quyền đòi bạn bàn giao toàn bộ diện tích đất theo nội dung di chúc của chồng bạn để lại.

Trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về việc phân chia di sản của chồng bạn để lại thì một trong các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án nơi có thẩm quyền để được giải quyết vụ việc, trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích của các bên có liên quan trong vụ việc.

Giải đáp pháp luật

Nguồn ảnh: ITN
Giải đáp pháp luật

Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội có được hưởng trợ cấp một lần khi ra nước ngoài định cư không?

Từ 1.7.2025, người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nếu ra nước ngoài để định cư có được hưởng trợ cấp một lần không? Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần đối với người ra nước ngoài định cư? – Câu hỏi của bạn Minh Thùy (Hà Tĩnh).