Giải chấp có cứu được công ty chứng khoán không?
Thị trường chứng khoán đã giảm điểm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Diễn biến này buộc các công ty chứng khoán nhanh chóng thực hiện giải chấp để thu hồi vốn. Việc lạm dụng quá nhiều nguồn vốn tín dụng hỗ trợ khách hàng khiến doanh nghiệp không còn giải pháp để ngăn chặn nguy cơ phá sản.
|
Bộ Tài chính hiện chưa ban hành văn bản hướng dẫn công ty chứng khoán cung ứng dịch vụ tín dụng cho nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán cũng chưa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ giao dịch mua chứng khoán ký quỹ. Nhưng không vì vậy mà công ty chứng khoán không hỗ trợ tín dụng cho khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hình thức ứng trước tiền bán chứng khoán, cầm cố cổ phiếu hay ký hợp đồng hợp tác đầu tư (hình thức trá hình của ký quỹ), để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ.
Báo cáo tài chính quý I.2011 của 12 công ty chứng khoán cho thấy, tổng các khoản phải thu ngắn hạn khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, Công ty chứng khoán SSI thu từ nghiệp vụ hợp tác đầu tư là 444 tỷ đồng, trong khi số phải thu ngắn hạn chỉ là 625 tỷ đồng. Công ty chứng khoán HSC có thu từ nghiệp vụ hợp tác đầu tư là 653,92 tỷ đồng. Công ty Cổ phần chứng khoán Ngân hàng NN và PTNT (AGR) có thu ngắn hạn khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhưng đây chỉ là tầng nổi của tảng băng chìm bởi trên thị trường hiện có 150 công ty chứng khoán.
Trong phiên giao dịch ngày 26.5, chỉ số Vn-Index đã phục hồi bất ngờ khi tăng 11 điểm, lên mức sát ngưỡng tâm lý 400 điểm. Tuy nhiên trong 10 phiên giao dịch liền trước, chỉ số Vn-Index đã giảm 97 điểm, xuống mức 386,36 điểm – là mức thấp nhất từ tháng 9.2010 đến nay. Thị trường giảm điểm mạnh và nhanh buộc nhiều công ty thực hiện giải chấp nhanh để thu hồi vốn. Khảo sát tại các sàn giao dịch TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, khối tự doanh của các công ty chứng khoán thành viên liên tục bán ròng. Tại một số phiên, khối lượng và giá trị bán ra của công ty chứng khoán cao hơn từ 3 - 5 lần so với số mua vào. Một số công ty chứng khoán đang thực hiện giải chấp ngay những cổ phiếu vẫn còn có thanh khoản khi giá trị sụt giảm đến ngưỡng an toàn, thay vì chờ khách hàng bổ sung tiền.
Sức ép giải chấp tăng lên trong những phiên giao dịch cuối tháng 5.2011 do thời hạn phải giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống mức 22% của ngân hàng thương mại đang đến gần (từ ngày 1.6). Trong khi, ngoài nguồn vốn tự có thì nhiều công ty chứng khoán đã hỗ trợ khách hàng chủ yếu từ vốn vay ngân hàng. Khi ngân hàng thắt chặt nguồn cung tín dụng sẽ buộc doanh nghiệp chứng khoán phải thực hiện các giải pháp thu hồi vốn, để bảo đảm an toàn tài chính. Tuy nhiên, không phải mọi mã chứng khoán đều có thể bán ra, bởi một số mã mất tính thanh khoản. Hơn nữa, liệu giải pháp này có tính khả thi hay không khi tín dụng thắt chặt và nhà đầu tư không mặn mà chuyển tiền vào thị trường chứng khoán?
Nhiều báo cáo tài chính còn ghi chung chung các khoản phải thu liên quan đến hoạt động hợp tác kinh doanh với khách hàng. Do vậy, vẫn có một khoảng tối trong việc xác định con số cụ thể của dịch vụ đòn bẩy tài chính. Nhưng việc chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Hà Thành bỏ trốn cùng số nợ lớn là ví dụ tiêu biểu cho hệ quả của tình trạng lạm dụng tiểu xảo cạnh tranh, không chú ý củng cố năng lực tài chính. Các chuyên gia cho rằng, công ty chứng khoán thực hiện giải chấp ồ ạt hiện nay là hệ quả của tình trạng cung cấp hỗ trợ tài chính lớn cho khách hàng trong thời gian qua.