Nghị quyết số 105/NQ-CP

Giải bài toán thiếu hụt lao động nước ngoài

- Thứ Ba, 28/09/2021, 15:26 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 kéo dài trong năm 2021 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác vận hành và sản xuất; cùng với đó là sự thiếu hụt chuyên gia nước ngoài. Việc Chính phủ nới lỏng các quy định trong lĩnh vực quản lý lao động nước ngoài, theo Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ chuẩn bị đưa nền kinh tế sớm trở lại bình thường.

Nỗi lo thiếu chuyên gia

Theo Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quang Trung, với sự đòi hỏi cao về trình độ, chuyên môn và kỹ năng, đặc biệt là sự khác biệt về văn hóa ngôn ngữ, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng đưa người lao động của chính quốc gia họ vào Việt Nam để làm việc, đặc biệt là các chức danh quản lý. Việc dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn về vấn đề nhân sự tại các doanh nghiệp này.

	Nghị quyết 105/NQ-CP thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Nghị quyết 105/NQ-CP thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Tại hội nghị đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp vào tháng 4 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức, về giải quyết vướng mắc liên quan đến cấp phép, sử dụng lao động nước ngoài, thủ tục xuất nhập cảnh cho chuyên gia người nước ngoài trong tình hình dịch Covid-19; một số doanh nghiệp cho biết, không thể cho người lao động trở về nước, bởi thực tế có những chuyên gia đã làm việc nhiều năm tại Việt Nam nhưng chưa từng làm việc tại nước ngoài.

Đặc biệt, một vấn đề cũng khiến rất nhiều doanh nghiệp lo ngại đó là yêu cầu về kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài đối với lao động nước ngoài theo Nghị định 152/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.2.2021. Thực tế, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến đầu tháng 4.2021, có 101.550 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó, lao động giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và đông nhất là chuyên gia với 58%... Đáng nói, hầu hết lao động mà các doanh nghiệp đang thiếu hụt là vị trí nhà quản lý, chuyên gia dự án ở các công trình trọng điểm. Hơn nữa, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn hoặc các địa phương có dự án lớn với nhiều nhà thầu nước ngoài thi công như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Long An...

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Nghị quyết số 105/NQ-CP đã nêu rõ, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, chuyên gia; đi sâu và giải quyết được phần lớn các băn khoăn của doanh nghiệp đối với quy định cũ. Cụ thể, theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định 152 về yêu cầu kinh nghiệm đối với chuyên gia/lao động kỹ thuật, “người nước ngoài phải có ít nhất 3 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo” thì tại Nghị quyết 105 chỉ yêu cầu “Người nước ngoài phải có ít nhất 3 năm làm việc trong lĩnh vực phù hợp với vị trí công việc tại Việt Nam (Bỏ yêu cầu về kinh nghiệm làm việc phải liên quan tới chuyên ngành được đào tạo).

Về Hồ sơ chứng minh là chuyên gia/lao động kỹ thuật, Nghị định 152 quy định phải có bằng cấp, chứng chỉ; văn bản xác nhận của công ty nước ngoài về số năm kinh nghiệm, tuy nhiên, tại Nghị quyết 105 được cho đã có sự linh hoạt hơn về việc cung cấp hồ sơ, trong đó, thay thế các hồ sơ đã nêu là giấy chứng nhận; giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm. Ngoài ra, Nghị định cũng cho phép người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác với thời hạn không quá 6 tháng và người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc mà không phải làm lại giấy phép lao động.

Chia sẻ về vấn đề rút gọn giấy phép so với quy định cũ, nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  cho hay, với nhóm lao động này, thủ tục hành chính liên quan tới việc cấp phép, gia hạn giấy phép lao động cũng được "mở"; liên tục có những sửa đổi đáp ứng yêu cầu mới.

Theo ông Trung, việc cần làm trước mắt là đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy phép. Các doanh nghiệp có chuyên gia lao động nước ngoài về làm việc sẽ làm thủ tục trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để chuẩn bị đầy đủ nhất.

Được biết, đầu tháng 9.2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương