Giải bài toán mức sinh thấp cho TP. Hồ Chí Minh

Mức sinh thay thế - tỷ lệ trung bình để duy trì ổn định quy mô dân số là khoảng 2,1 con mỗi phụ nữ, trong khi đó tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 1,24-1,68 con, thấp hơn từ 20-23% so với cả nước. Liên tục nhiều năm, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ lo lắng về một tương lai dân số sụt giảm, đồng nghĩa lực lượng lao động bị thu hẹp, kéo giảm đà tăng trưởng của “đầu tàu”.

 Giải bài toán mức sinh thấp cho TP. Hồ Chí Minh -0
TP. Hồ Chí Minh đang có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước

Xu hướng kết hôn muộn và sinh ít con 

Theo các chuyên gia, kinh tế đi lên, mức sinh đi xuống là xu hướng xảy ra ở nhiều nước phát triển. Tại Hàn Quốc - quốc gia có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới (0,78 con/phụ nữ), trung tâm kinh tế Seoul là nơi có mức sinh 0,59. Ở Trung Quốc, đất nước thi hành chính sách một con trong gần 40 năm, các siêu đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải đều có mức sinh chỉ khoảng 0,7. Với TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu của Tổng cục Thống kê khuynh hướng này đã kéo dài gần hai thập kỷ.

Năm 2020, lần đầu tiên mức sinh trở thành một chỉ tiêu trong nghị quyết nhiệm kỳ 5 năm của Đảng bộ thành phố. Mục tiêu đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh của TP. Hồ Chí Minh đạt 1,4 con/phụ nữ, và tăng lên 1,6 trong 5 năm tiếp đó. Mỗi năm, Thành phố dành khoảng 700 triệu đồng cho các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về dân số như: treo băng rôn, làm phim tuyên truyền, tổ chức hội thảo... Song, giải pháp này không phát huy hiệu quả khi thành phố vẫn duy trì vị trí bét bảng về tỷ lệ sinh gần hai thập kỷ.

Theo Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trung, kết hôn muộn và sinh ít con đang là xu hướng. Đây là một phần kết quả của chính sách kế hoạch hóa kéo dài trước đây và sự thay đổi trong quan niệm về lập gia đình. Tuổi kết hôn lần đầu bình quân tại TP. Hồ Chí Minh hiện là 29,8 - cao kỷ lục tại Việt Nam, và nhiều hơn gần 3 tuổi so với trung bình cả nước. Thành phố cũng đứng đầu bảng về tỷ lệ độc thân, với tỷ lệ 36% người trưởng thành ở thành phố chưa lập gia đình, trong khi con số bình quân cả nước là 24%.

Có hai nhóm nguyên nhân khiến mức sinh tại TP. Hồ Chí Minh sụt giảm là các cặp vợ chồng không muốn, hoặc không dám sinh thêm con. Theo Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh, nhóm đầu tiên nhiều nỗi lo về gánh nặng gia đình, môi trường sống, điều kiện y tế, giáo dục, và đặc biệt là cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân. Hơn 83% người lao động tại TP. Hồ Chí Minh làm việc trên 40 giờ mỗi tuần, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là gần 72%.

Nhóm thứ hai là muốn nhưng không dám sinh, áp lực lớn nhất là kinh tế, bởi chi phí nuôi dạy một đứa trẻ quá đắt đỏ. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tại TP. Hồ Chí Minh là 9,1 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi, một gia đình có hai con nhỏ cần ít nhất 12 triệu đồng mỗi tháng để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu, theo tính toán của Liên minh Lương đủ sống (trước đại dịch năm 2020). Ngoài ra, mức độ đô thị hóa cao cũng dẫn đến mức sinh thấp của TP. Hồ Chí Minh - nơi gần 80% người dân sống ở khu vực thành thị.

Bước ngoặt quan trọng trong chính sách dân số

TP. Hồ Chí Minh là điển hình cho nghịch lý dân số ở các đô thị lớn: Tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước, nhưng mật độ dân số thuộc hàng cao nhất. Cứ sau mỗi 5 năm, trung tâm kinh tế phía Nam lại có thêm gần một triệu người. Mức sinh thấp của Thành phố được bù đắp bởi tỷ lệ sinh cao ở những nơi khác nhờ dòng người di cư. Do đó, đô thị này duy trì được nguồn lao động dồi dào.

 Giải bài toán mức sinh thấp cho TP. Hồ Chí Minh -0
Thành phố có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước, nhưng mật độ dân số thuộc hàng cao nhất

Tuy nhiên, với mật độ dân số gấp 15 lần cả nước, hạ tầng TP. Hồ Chí Minh bị quá tải về nhiều mặt. Cụ thể, mỗi km2 chỉ có 2,26 km đường giao thông, bằng 1/5 so với quy chuẩn; dân cư đông kéo theo áp lực về nơi ở, với diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 5m2 so với trung bình toàn quốc. Cùng với đó, hạ tầng để chăm sóc và nuôi dạy trẻ cũng là vấn đề. TP. Hồ Chí Minh hiện có sĩ số học sinh tiểu học bình quân, thuộc nhóm cao nhất cả nước (39,4 em). Thực tế này đẩy TP. Hồ Chí Minh vào thế khó: vừa muốn khuyến sinh, vừa phải giải bài toán quá tải.

Chưa kể, theo số liệu, ngoài TP. Hồ Chí Minh, 24 địa phương trên cả nước, chủ yếu là các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có mức sinh dưới ngưỡng thay thế. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có đủ nguồn lao động tại chỗ, TP. Hồ Chí Minh khó phát triển bền vững khi các tỉnh xung quanh cạnh tranh thu hút người nhập cư. Còn người di cư khó tiếp cận về nhà ở, lại không có gia đình bên cạnh, nên hình thành tâm lý ngại sinh con.

Mức sinh thấp kéo dài khiến TP. Hồ Chí Minh bắt đầu lọt vào nhóm nửa trên về chỉ số già hóa, khiến ngành y tế lo ngại về viễn cảnh số lượng người cao tuổi tăng nhanh, kéo theo áp lực lên hệ thống an sinh, y tế hiện. “Mức sinh thấp là bài toán rất khó. Bài học con một của những quốc gia đi trước cho thấy TP. Hồ Chí Minh phải đón đầu già hóa dân số, mà trong đó sinh đủ hai con là một trong những biện pháp quan trọng nhất” - Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng trong chính sách dân số, TP. Hồ Chí Minh sẽ dùng chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con, thay vì dừng ở vận động miệng như trước. Theo đó, trong Dự thảo về chính sách Dân số tại TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 dự kiến trình HĐND trong kỳ họp cuối năm, Thành phố đang nghiên cứu, lắng nghe phản hồi từ chuyên gia và người dân để đề xuất các giải pháp phù hợp cho những gia đình sinh đủ hai con, theo chủ trương được Bộ Y tế khuyến khích từ năm 2021. Nếu được thông qua, dự kiến thành phố sẽ hỗ trợ các gia đình sinh con thứ 2 bằng viện phí, gói mua nhà ở xã hội, thay đổi hình thức trông trẻ mầm non, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản.

Sức khỏe

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi Làng Nủ bị vùi lấp đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Sức khỏe

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi Làng Nủ bị vùi lấp đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 24.9, Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan đã đến thăm hỏi, động viên nữ bệnh nhi Mông H.T.N ( 11 tuổi, dân tộc) Tày - nạn nhân trong vụ sạt lở do lũ quét tại bản Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai hiện đang được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.

Hành trình cứu sống những trái tim nhỏ bé
Sức khỏe

Hành trình cứu sống những trái tim nhỏ bé

Là một trong số ít chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi tim toàn bộ cho trẻ cân nặng thấp, giúp các bệnh nhi tránh được việc cưa xương ức, phục hồi nhanh chóng với vết mổ chỉ bằng đầu bút, TS.BS Đặng Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa quốc tế (ĐKQT) Vinmec Times City (Hà Nội), được nhiều gia đình và đồng nghiệp trìu mến gọi là “bác sĩ nội soi thắp sáng trái tim”.