Đưa khu công nghiệp về nông thôn:

Giải bài toán ly nông bất ly hương

- Chủ Nhật, 02/05/2021, 05:07 - Chia sẻ
Việc phát triển các khu công nghiệp nông thôn không chỉ giải được bài toán ly nông mà không ly hương; đồng thời giúp cuộc sống người lao động không chỉ đỡ khó khăn về mặt kinh tế mà còn được đầy đủ tinh thần bằng cách sống và làm việc, sinh hoạt ngay trên mảnh đất quê hương của mỗi người.

Mong ước của công nhân “5 không”

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH may Phù Yên, Sơn La

Hơn 10 năm làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng vợ chồng chị Hoàng Thị Nhung vẫn phải thuê nhà trọ, cuộc sống hết sức tằn tiện mới không bị thiếu trước hụt sau. Cứ Tết đến, hai vợ chồng lại mất nhiều đêm bàn tính: “Xuân này có nên về quê”? Chị Nhung quê ở Hà Tĩnh, hiện làm công nhân Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Chồng chị làm thợ xây, thu nhập thất thường. Chị cho biết, công việc của chồng chị tháng nhiều việc nhất thì được khoảng 6 triệu đồng nhưng có tháng không có đồng nào vì làm công việc này nặng nhọc, vất vả nên dễ ốm. Còn chị, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, lại nuôi 2 con nhỏ, thêm khoản thuê nhà 3 triệu đồng/tháng nên tháng nào tiêu hết tháng. “Tháng nào có nhiều đơn hàng, tăng ca nhiều thì tôi mới tiết kiệm được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để dành lúc ốm đau hay đi ăn cưới đồng nghiệp. Đời công nhân vất vả “ráo mồ hôi là hết tiền” nên không ít lần hai vợ chồng loay hoay tính chuyện về quê lập nghiệp: về quê làm gì để sống? Ruộng đất chỉ được vài sào, nhà máy xí nghiệp không có, ở quê rất ít việc làm thêm… Suy đi tính lại nên anh chị  lại đành bám trụ nơi đất khách quê người”, chị Nhung than thở.

Những hoàn cảnh công nhân xa nhà như gia đình chị Nhung không hiếm. Bởi theo số liệu thống kê, hiện nay khoảng 80% công nhân tại các khu đô thị chưa có nhà cửa ổn định. Với mức thu nhập hiện nay, họ phải chấp nhận thuê trọ trong những căn nhà tồi tàn, cuộc sống tằn tiện mới đủ trang trải cuộc sống. Vì thế, được trở về quê và có việc làm ngay tại các nhà máy ở quê nhà là niềm mong ước của rất nhiều công nhân. Anh Hoàng Tuấn Dũng, làm việc tại Khu công nghiệp Hanel - Hà Nội cho biết: “Ai cũng muốn ở quê, nhưng vì cuộc sống khó khăn mà phải rời làng ra thành phố. Bám trụ thành phố gần 15 năm nay nhưng hai vợ chồng dẫu có tằn tiện cũng chưa có đủ tiền để mua được nhà ở. Nếu ở quê có chỗ làm thì cũng muốn về lắm, được gần gia đình, làng xóm, con cháu gần ông bà. Nhưng ở quê vẫn chưa có khu công nghiệp. Với mức lương 5 triệu đồng/tháng nếu ở quê có thể sống khỏe vì không phải thuê nhà, tiền học của con rất thấp, chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng rẻ. Lại nuôi thêm con gà, trồng thêm luống rau thì cuộc sống sẽ tốt hơn hiện tại rất nhiều. Còn ở đây, tiền nhà, con cái ăn học, phải xoay xở tằn tiện mới không phải vay mượn”.

Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, người ta thường nói "ly nông bất ly hương", có nghĩa là người dân không phải làm ruộng mà cũng không phải xa quê hương. Thay vì phải rời quê hương đến làm việc tại các khu kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn thì người dân địa phương có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp được mở ở ngay tỉnh nhà. Làm được điều này, công nhân không phải thuê nhà, không phải trang trải sinh hoạt với mức chi phí dành cho người thành thị với mức lương công nhân. Mọi người thường nói vui, cuộc sống của công nhân độc thân ở các khu nhà trọ là "5 không": Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao.

Kinh nghiệm từ huyện nghèo Phù Yên

Trước năm 2010, kinh tế của huyện Phù Yên (Sơn La) chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp. Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Phù Yên được phê duyệt xây dựng 2 cụm công nghiệp Gia Phù và Quang Huy. Cụm công nghiệp Gia Phù đã có Công ty TNHH may Phù Yên đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Còn cụm công nghiệp Quang Huy được quy hoạch quy mô 5ha, Công ty cổ phần giày Ngọc Hà đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu. Ngoài 2 cụm công nghiệp này, năm 2015, Công ty cổ phần Thành An cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel, công suất 3,6 triệu viên/năm tại xã Huy Thượng.

Với mức thu nhập chừng 5 - 6 triệu đồng/tháng ở quê họ có thể sống tốt, đi làm có thể về nhà, tiêu dùng với mức chi phí hợp lý ở quê nhà. Đời sống vật chất mà đời sống tinh thần cũng tốt hơn, gần gũi gia đình, làng xóm. Những năm gần đây nhiều doanh nghiệp ngành may bắt đầu chuyển hướng đi về các vùng nông thôn. Ở đó họ vừa dễ thu hút lao động lại vừa giảm chi phí lương. Điều này giúp cả doanh nghiệp và người dân địa phương đều có lợi.

Nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính​​​

Đầu năm 2010, Công ty cổ phần giày Ngọc Hà đầu tư vào địa bàn. Đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 2 cơ sở sản xuất: Xí nghiệp giày Phù Yên 1 tại xã Huy Hạ, diện tích 2.600 m2 và Xí nghiệp giày Phù Yên 2 trong cụm công nghiệp Quang Huy, diện tích 1,8ha. Ông Bùi Mạnh Dũng, Giám đốc Xí nghiệp giày Phù Yên 2 cho hay, xí nghiệp có hệ thống 5 nhà xưởng, nhà kho được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, thực hiện gia công mũi giày, công suất 2,6 triệu sản phẩm/năm.

Năm 2015, Công ty cổ phần Thành An Sơn La đầu tư vào Phù Yên. Được huyện bố trí 4 ha đất tại xã Huy Thượng, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng nhà máy gạch tuynel, với hệ thống dây chuyền tiên tiến, sử dụng công nghệ bán khô, công suất 35 triệu viên/năm, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương.

Việc huyện Phù Yên thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đã góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn. Đến nay, các cơ sở công nghiệp đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn, bảo đảm các chế độ, chính sách về tiền lương, thưởng và đóng các loại bảo hiểm theo quy định. Tính riêng 2 xí nghiệp của Công ty cổ phần giày Ngọc Hà đã tạo việc làm cho gần 2.500 lao động, hầu hết là thanh niên các dân tộc các xã, bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Sau thời gian 3 tháng đào tạo, các công nhân đáp ứng tốt yêu cầu công việc, mức lương trung bình từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng, nhiều người hiện được giao giữ các vị trí quản đốc, phó quản đốc, ca trưởng và tổ trưởng sản xuất. Anh Lường Xuân Hương, ở bản Giáo, xã Huy Tân (một trong những công nhân đầu tiên của Xí nghiệp giày Phù Yên 2) hiện đang là quản đốc điều hành sản xuất, với mức lương 11 triệu đồng/tháng. Anh Hương chia sẻ: “Điều kiện làm việc tốt, thu nhập của công nhân ổn định, khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hầu như các xã trên địa bàn đều có người làm công nhân tại đây, nhiều bản có tới 40 - 50 người”.

Còn tại Công ty TNHH may Phù Yên, hiện có 600 công nhân, thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; ngoài chế độ ăn trưa tại công ty, công nhân chuyên cần còn được thưởng 200.000/tháng, những công nhân ở xa hơn 30 km hằng tháng được hỗ trợ 200.000 đồng tiền xăng xe. Anh Sồng A Lồng, bản Suối Chèo, xã Suối Bau, làm việc tại bộ phận là quần áo gần 3 năm, công việc ổn định, thu nhập khá hơn rất nhiều so với ở nhà trồng ngô, sắn. Anh cũng đã xin cho vợ vào làm cùng công ty, do nhà cách hơn 30km, nên hai vợ chồng sáng sớm chở nhau đi làm bằng xe máy, tối mới về nhà, thu nhập của hai vợ chồng được gần chục triệu một tháng.

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, hướng đi đúng, hiệu quả trong phát triển kinh tế của Phù Yên. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán “ly nông” nhưng không “ly hương”, người nông dân đã thoát ly khỏi đồng ruộng và trở thành công nhân ngay trên chính mảnh đất của mình.

Bài và ảnh: Đức Thọ