Đó là ý kiến thảo luận tại Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cao Bằng, Gia Lai, An Giang) về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, đầu tư công, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết... theo chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.
Đánh giá bức tranh kinh tế xã hội – xã hội 9 tháng đầu năm, các ĐBQH thành viên Tổ thảo luận 17 cơ bản thống nhất và đồng thuận cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
ĐBQH Trần Hồng Minh (Cao Bằng) - Tổ trưởng Tổ 17 cho rằng, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt...
“Đó không chỉ là tín hiệu khả quan cho thấy các kịch bản tăng trưởng kinh tế đã phát huy tác dụng, mà còn là minh chứng cho vai trò lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp….”, ĐBQH Trần Hồng Minh nhấn mạnh
Đại biểu cũng đồng tình cho rằng, "sức khỏe" của nền kinh tế vĩ mô đang tốt lên sẽ là động lực để chúng ta bứt phá ở chặng đường “nước rút” để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và chặng đường về đích của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, bên cạnh những giải pháp căn cơ đồng bộ thì cũng cần một sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị…
Đồng tình với đánh giá của đại biểu Trần Hồng Minh, ĐBQH Nguyễn Đình Việt và ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 sẽ là động lực và tiền đề quan trọng để sẵn sàng cho chặng đường về đích của cả nhiệm kỳ.
Liên quan đến những thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi trong tháng 9 vừa qua với mưa lớn và lũ lụt, dẫn đến sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời, các ĐBQH, trong đó có tỉnh Cao Bằng mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo cơ chế và có các gói hỗ trợ các địa phương bị chịu tác động nặng nề từ thiên tai để giúp bà con tái thiết và quay trở lại cuộc sống, sản xuất.
ĐBQH Đôn Tuấn Phong (An Giang) và một số đại biểu cũng đánh giá cao những thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế vẫn đang rất phức tạp, thay đổi nhanh, khó lường, có những xung đột mới với quy mô tính chất rộng…
Tuy nhiên, đại biểu thẳng thắn cho rằng, tăng trưởng dường như vẫn dựa vào động lực đầu tư công; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, câu chuyện “có tiền nhưng không tiêu được” vẫn là bài toán hóc búa của các địa phương, đơn vị, 9 tháng đạt 47% thấp hơn năm 2023. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công chưa được như ý là do thiếu sự quyết liệt, vẫn còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm. Quan trọng nhất là các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công còn chồng chéo, đùn đẩy từ dưới lên trên. "Trung ương đã thực vào cuộc giúp các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này chưa"? Đại biểu Đôn Tuấn Phong đặt câu hỏi.
ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) thì nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu nổi bật, nền kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa phát triển theo chiều sâu và cần có chính sách bảo hộ hàng hoá và có thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hàng hoá Việt Nam, có như thế mới tạo nên các chuỗi sản xuất bền vững.
Đại biểu ĐBQH Trình Lam Sinh và nhiều đại biểu khác cũng băn khoăn hiện nay cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả...
"Cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp phục hồi thị trường bất động sản và có giải pháp ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán...", đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị.
Xoay quanh câu chuyện giảm nghèo bền vững, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) đánh giá cao các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 1% xuống còn 1,93%... Tuy nhiên, việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình hằng năm còn gặp khó khăn do một số biểu mẫu chấm điểm của khu vực nông thôn Tây Nguyên thuộc Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18.7.2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của nhiều địa phương; trong đó, có tỉnh Gia Lai.
Thực tế, có những hộ gia đình có tài sản (trâu, bò, ngựa dưới 3 con thì không tính điểm); có loại tài sản chỉ chấm điểm theo số lượng (ti vi, xe máy, tủ lạnh...) mà không căn cứ vào giá trị của tài sản nên điều tra viên còn lúng túng khi thu thập, đối chiếu với tiêu chuẩn để đánh giá đối với từng hộ; có những tiêu chí khó đánh giá, xác định (tiêu chí nhà ở), nhất là khi hộ gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, rủi ro.
"Việc không đánh giá về giá trị tài sản hay về chất lượng, số lượng tài sản đã ảnh hưởng đến sự công bằng, khách quan trong xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, chỉnh sửa thang điểm trong bộ công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào giai đoạn sắp tới", đại biểu Siu Hương kiến nghị.
Ngoài ra, một số ĐBQH tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng Dự án Hồ chứa nước Ia Thul để cấp và tạo nguồn cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho diện tích khoảng 8.600 ha, nước sinh hoạt cho khoảng 28.500 người; cải thiện môi trường sinh thái; kết hợp giảm lũ cho hạ du, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Ia Pa, Krông Pa (tỉnh Gia Lai).
Đây là vùng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, đời sống nhân dân trong vùng còn khó khăn (chủ yếu là dân tộc Jrai: 91,6%), tỷ lệ hộ nghèo cao (khoảng 18%). Việc đầu tư xây dựng Hồ chứa nước Ia Tul là giải pháp hữu hiệu, đảm bảo cho phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống của nhân dân, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế vùng theo định hướng tái cơ cấu ngành, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 10.11.2022; tuy nhiên, đến nay Dự án vẫn chưa được triển khai....
Thảo luận tại Tổ 17, đa số ĐBQH tán thành chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) với số tiền 20.695 tỷ đồng. Đồng thời, đánh giá việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 là cần thiết nhằm hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…