Giấc mộng đêm hè
Cuộc thập tự chinh dài 24 năm của bóng đá Đức hoặc 28 năm của người Argentina đến Cúp Vàng thế giới sẽ kết thúc vào đêm nay. Một trong những nền bóng đá lớn nhất sẽ tỉnh giấc sau những mùa hè mơ mộng...
Cuộc hẹn hò lịch sử
Đức, 3 lần vô địch thế giới, 4 lần á quân và Argentina, 2 lần lên ngôi, 2 lần về nhì, sẽ gặp nhau trong trận chung kết World Cup 2014. Đây là cặp đấu nhiều duyên nợ nhất ở World Cup (7 lần) và cũng đối đầu nhau nhiều nhất ở trận chung kết (3 lần). Trong giai đoạn vàng son của 2 nền bóng đá, họ đã gặp nhau và mang lại nhiều cảm xúc khó tả cho người hâm mộ. Từ Maradona năm 1986 đến Lothar Matthaus năm 1990, và phải chờ 28 năm sau họ mới tái ngộ. Sau chức vô địch năm 1986, người Argentina cứ mải mê tìm kiếm hậu duệ của Maradona, những lứa cầu thủ vàng như Batisuta, Ortega, Simeone, Riquelme… đến rồi lại đi, nhưng vinh quang vẫn lẩn tránh họ. Người Đức rơi vào khủng khoảng cuối những năm 2000 nhưng nhanh chóng phát triển bóng đá mới theo con đường riêng, đã vào chung kết World Cup thêm một lần nữa (2002) và về thứ 3 ở World Cup 2010. Họ cũng đã gặp lại nhau và người Argentina luôn là kẻ cúi đầu, thua 2 - 4 trên chấm phạt đền ở tứ kết World Cup 2006, 4 năm sau lại thua tâm phục khẩu phục 0 - 4.
Nếu Argentina có Maradona, thiên tài để lại ấn tượng đậm nét nhất ở World Cup thì người Đức có Miroslav Klose, đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất (16 bàn). Đức mang đến niềm tự hào châu Âu và ước mơ giành Cúp Vàng thế giới đầu tiên ngoài châu lục. Với Argentina, còn gì sung sướng hơn khi đăng quang ngay trên đất Brazil, người hàng xóm đáng ghét và là kẻ thủ không đội trời chung bao năm qua.
Đức đồng đội và khoa học
Thắng lợi 7 - 1 trước Brazil tại bán kết và trận thắng 4 - 0 trước Argentina 4 năm trước mang đến cho người Đức lợi thế hơn. So với 4 năm trước, đội hình của Đức không thay đổi nhiều, thậm chí mạnh hơn, các cầu thủ trưởng thành hơn, đạt độ chín hơn và lối chơi cũng hoàn thiện, mang nhiều nét mới. Mesut Ozil - người đã chơi rất hay 4 năm trước giờ không giữ được phong độ, nhưng các vệ tinh hoàn thiện hơn nhiều, đặc biệt là Thomas Muller (đã có 5 bàn tại World Cup 2014). Người Đức tiếp tục cải tiến lối chơi, nhanh, khoa học, lạnh lùng nhưng vẫn mềm mại. Người Đức dè dặt hơn khi nói về cơ hội đăng quang, họ chơi tốt từng trận, cải thiện chính mình. Vẫn có những lỗ hổng, nhưng người Đức luôn tìm cách khắc phục tốt nhất. Argentina thành công ở bán kết khi vô hiệu hóa ngôi sao Robben của Hà Lan nhưng khó có thể áp dụng lối đá đó trước Đức, bởi đại diện châu Âu có nhiều ngòi nổ và ai cũng có thể ghi bàn. Họ là đội ghi được nhiều bàn thắng nhất (17 bàn), chuyền chuẩn xác thứ 2 (82%), có 2 cầu thủ chạy nhiều nhất (Mueller và Kroos) và lực lượng dự bị dồi dào, đồng đều nhất.
Sức mạnh của Đức là tính đồng đội, sự ổn định và kết dính của các cá nhân. Người Đức đá đơn giản, bóng thường được đưa đến những vị trí thuận lợi nhất để dứt điểm. Họ phối hợp nhóm kỹ thuật vừa ít tốn sức, lại không mất bóng và đội nhà tránh được nguy cơ cao. Trước mỗi đối thủ, HLV Loew điều chỉnh lối chơi và đội hình. Giờ thì Lahm được trả về vị trí hậu vệ phải và hàng tiền vệ với bộ ba Schweinsteiger - Khedira - Kroos chơi đặc biệt ấn tượng. Họ đánh chặn tốt và có thể lên phối hợp tấn công, chuyển từ sơ đồ 4 - 2 - 3 - 1 sang 4 - 1 - 4 - 1 nếu cần thiết với sự cơ động của Kroos (71 đường chuyền, chính xác 93% trong trận gặp Brazil). Mỗi vị trí của Đức đều cơ động. Nếu vượt qua hàng thủ thì vẫn còn thủ môn Nueur với phạm vi hoạt động rộng, thậm chí có thể chơi như libero.
Argentina trông cậy vào Messi và Sabella
HLV Sabella bị chỉ trích nhiều bởi lối đá nghèo nàn của Argentina ở vòng bảng, nhưng vào vòng knock-out lại là câu chuyện khác. Argentina đã triển khai một hệ thống phòng ngự chặt chẽ đến ngạc nhiên (không thua bàn nào ở vòng đấu trực tiếp). Argentina chơi biết người biết ta, khi không thể đôi công với Hà Lan, họ chọn cách phòng ngự chặt, chơi chậm và chắc. Trong đội hình của Argentina có 4 siêu sao tấn công là Messi, Aguero, Lavezzi, Higuain, nhưng hàng thủ mới là bệ phóng của họ. Thủ môn Romero 2 lần đẩy được penalty trong trận gặp Hà Lan, phía trên Zabaleta, Demichelis, Garay, Rojo đều bảo đảm cự ly đội hình và chơi chắc chắn. Triết lý của Argentina rõ ràng: trước khi chọc thủng lưới đối phương, tốt nhất không nên cho đối phương chọc thủng lưới mình.
Người ta đang chờ xem Sabella sẽ làm gì trước người Đức. Muốn chiến thắng, ông sẽ phải trông cậy vào Messi, người đã tỏa sáng ở vòng bảng nhưng ít lung linh hơn khi vào vòng knock-out, chủ yếu vì vị trí thay đổi, số 10 phải chơi xa khung thành hơn và đóng vai trò kiến thiết nhiều hơn. Nhưng Messi cần phải tỏa sáng trong trận đấu này hoặc tạo cơ hội cho đồng đội. Trước lối đá mang hơi hướng tiki-taka của Đức, Messi sẽ biết phải đột phá vào đâu. Mascherano cũng là một chốt chặn quan trọng. Anh là cầu thủ chuyền nhiều nhất tại World Cup (552 đường), có 18 cú tắc bóng (8 thành công) và đứng thứ 7 trong số những người di chuyển nhiều nhất. Nếu Di Maria bình phục, người Argentina sẽ có thêm mũi công lợi hại.
Trong lịch sử, công thức chiến thắng của Đức là đội hình đồng đều, còn Argentina thường nhờ thiên tài (Maradona và Messi) và những cầu thủ còn lại. Trận chung kết sẽ cho thấy rõ trường phái bóng đá nào thắng thế.