Giấc mơ "thành phố phía Đông"

- Thứ Năm, 08/10/2020, 05:51 - Chia sẻ
Ý tưởng về những “thành phố trong thành phố” hình thành gần chục năm trước khi TP Hồ Chí Minh đề xuất tạo cơ chế cho 4 khu đô thị vệ tinh theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi khu sẽ có chính quyền đô thị riêng, trực thuộc chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh, được thiết kế theo hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm để có thể phát triển chủ động và độc lập.

Đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội lúc đó, đề xuất này được cho là chưa phù hợp. Một thập kỷ trôi qua, giờ có lẽ là thời điểm chín muồi để TP Hồ Chí Minh hiện thực hóa giấc mơ của mình. Chính quyền thành phố không chỉ có sự chuẩn bị nhất định mà còn đang thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới tạm gọi là “thành phố phía Đông”. Mong muốn của chính quyền thành phố là khu vực rộng hơn 200km2, với khoảng một triệu dân này sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố và cả vùng Đông Nam Bộ với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Không chỉ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng mà tính toán của các chuyên gia kinh tế hàng đầu cũng cho thấy nếu mọi việc suôn sẻ, “thành phố phía Đông” có thể đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh, bằng 4 - 5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Cả 3 quận dự định sáp nhập đều sở hữu một số nền tảng cần thiết cho giấc mơ này. Quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 9 có khu công nghệ cao, quận Thủ Đức là nơi đóng đô của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và 18 trường đại học khác.

Đặc biệt, những điều kiện cần và đủ cho sự ra đời của “thành phố phía Đông” đang dần được hoàn tất. Chính phủ đã thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và giao các bộ liên quan tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Đi bỏ phiếu hôm 3.10 vừa qua, có từ 82% - 97% cử tri các quận 2, 9 và Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh đồng ý phương án sáp nhập để thành lập một “thành phố trong thành phố”.

Nhiều người dân chưa ưng cái tên “thành phố Thủ Đức” và đề xuất nhiều phương án. Tên gọi của đơn vị hành chính mới này cũng là chuyện đáng bàn nhưng quan trọng hơn là việc tổ chức, vận hành thành phố này như thế nào để có người đứng đầu có đủ quyền hạn cần thiết "tự quyết" những cơ chế đặc biệt để thu hút nhiều “đại bàng” đến làm tổ và cả lực lượng lao động có kỹ năng và tài năng.

Tương tự, dù mô hình “thành phố trong thành phố” chưa có tiền lệ ở nước ta và đây rõ ràng là một khó khăn về tính pháp lý, nhưng còn nhiều thách thức lớn khác mà TP Hồ Chí Minh phải đối mặt khi xây dựng “thành phố phía Đông”. Trong đó, việc xác định chức năng và tổ chức không gian đô thị, cũng như không gian kinh tế - xã hội sao cho hợp lý không hề đơn giản.

“Thành phố phía Đông” rất cần có một bản quy hoạch hoàn chỉnh, chi tiết giải quyết 3 vấn đề cốt lõi từng được Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á, Bắc Mỹ và trực tiếp làm quy hoạch cho phố Đông (Thượng Hải) chỉ ra. Đó là Trung tâm đô thị nằm ở đâu? Hệ thống giao thông riêng, giao thông kết nối đô thị như thế nào? Và việc quy hoạch đô thị mới phải là động lực để chỉnh trang khu đô thị hiện hữu. Những việc này phải làm chuẩn chỉnh để vừa thu hút được nhà đầu tư, vừa bảo đảm lợi ích cho người dân về hạ tầng, tiện ích công cộng, môi trường và tránh cả nguy cơ “thành phố phía Đông” có thể trở thành “ốc đảo” nuôi dưỡng lợi ích bất động sản.

Hà Lan