Giấc mơ siêu thực

Trang Thanh Hiền 12/01/2015 08:48

“Khi tôi ở trong nhà ươm và xem những bông hoa kỳ lạ từ các vùng đất kỳ lạ, có vẻ như tôi đang bước vào một giấc mơ”. Là họa sĩ tự học, Henri Rousseau đã trở thành nhân vật mang khuynh hướng ngây thơ thú vị nhất của nghệ thuật Hậu Ấn tượng Pháp với những bức tranh về rừng.

Giữa khu rừng rậm nguyên sinh xanh mướt và tối, nàng vệ nữ nằm ngả người trên chiếc đi văng, nghe những điệu nhạc cất lên từ một nhạc công da đen đang đứng lẫn trong bụi cây. Xung quanh là hổ, báo, trâu rừng, rắn, chim công... Những đóa hoa sen vươn lên khoe sắc, những trùm quả vàng cam lúc lỉu và mặt trăng non ló ở khoảng rỗng nhỏ nền trời khiến cho khung cảnh càng trở nên thơ mộng. Giấc mơ (Dream) là một tác phẩm nổi tiếng, có kích thước lớn nhất trong số 25 tranh Henri Rousseau vẽ về rừng trước khi qua đời năm 1910.

Giấc mơ (Dream), sơn dầu của Henri Rousseau, sáng tác năm 1910, kích thước 204,5x 298,5cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York
Giấc mơ (Dream), sơn dầu của Henri Rousseau, sáng tác năm 1910, kích thước 204,5x 298,5cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York
Từng bị hầu hết nhà phê bình thời bấy giờ chế giễu bởi phong cách trẻ con, kỹ thuật vẽ nghiệp dư và sự sai lệch về tỷ lệ hình họa trong các tác phẩm, nhưng Henri Rousseau lại nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ từ nhiều họa sĩ hiện đại thời bấy giờ như Picasso hay Kandinsky, về một khả năng mà không phải họa sĩ được đào tạo bài bản nào cũng có được. Đó là sự đơn giản tinh tế trong việc diễn tả cảm xúc. Quyết định trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thực thụ ở tuổi 49, Henri Rousseau đã xin nghỉ hưu sớm, chỉ để vẽ. Với ông, vẽ như mở ra thế giới mà ở đó giấc mơ về những khu rừng rậm nhiệt đới như cuốn hút ông vào một huyền thoại huyễn hoặc.

Điều khiến cho Giấc mơ đặc biệt nhất trong số sáng tác về rừng của Henri Rousseau có lẽ chính là chiếc đi văng kiểu quý tộc Pháp thời bấy giờ được đưa vào khung cảnh rừng rú. Nó cũng là chi tiết khác biệt nhất trong số tranh vẽ về rừng của ông. Bức tranh khiến người ta liên tưởng đến những tác phẩm cổ điển của Titian thế kỷ XVI từng làm thay đổi thẩm mỹ Phục hưng về giá trị thần thánh trong các chủ đề tôn giáo. Vai trò của Henri ở đầu thế kỷ XX có chút khác biệt. Ngả người trên đi văng, nàng vệ nữ đang với cánh tay về phía người da đen thổi sáo. Ẩn ngữ được hé mở về một niềm say mê đương thời với một thế giới mới, một thẩm mỹ Phi châu  đang tạo nên ảnh hưởng không nhỏ đến hội họa thời bấy giờ. Nó không chỉ cuốn hút ông - người chưa từng rời chân khỏi nước Pháp, mà còn tạo ra những canh tân ở các tác phẩm của Picasso và Braque cùng khoảng thời gian đó khi vẽ Avignon hay những chân dung lập thể. Hơn thế, chiếc đi văng còn được các nhà phê bình sau này đánh giá là dự báo cho thủ pháp diễn tả những giấc mơ phi thực tế của thế giới vô thức hoặc tiềm thức - những ám ảnh trong thế giới tinh thần mà Sigmund Freud đã chỉ ra về tình yêu và bản năng tính dục. Nàng vệ nữ ngủ trong khu rừng nhiệt đới này còn được xem là hình tượng nguyên mẫu chân dung Yadwigha - một người tình Ba Lan của Henri Rousseau thời trẻ. Cũng bởi vậy mà chất hoang sơ, cảm giác bí ẩn như được toát lên và cuốn hút kỳ lạ.

Sự rành mạch trong diễn tả hình ảnh cũng làm nên sự khác biệt của Henri với nghệ thuật đương thời. Lối vờn sáng - tối đều tăm tắp trên các loại cây khiến cho thần sắc trong tranh của ông như có ánh sáng được thắp ra từ bên trong. Sự đa dạng của các chủng loại thực vật được ông học và chép ra từ các cuốn sách minh họa sinh học và kiến thức ông thu thập được từ việc thường xuyên tham quan những vườm ươm. Các hình ảnh dã thú cũng được ông tự nghiên cứu ở sở thú. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là sức mạnh của những tưởng tượng đã gắn kết chúng lại trong tác phẩm để làm nên một Henri Rousseau rực rỡ của nước Pháp. Nghệ thuật của ông đã được xem là dự báo chất tố siêu thực sẽ bừng nở trong hội họa những thập kỷ sau đó ở châu Âu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giấc mơ siêu thực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO