Giấc mơ cổ tích
Đại diện của đảo Síp đã khiến châu Âu tròn mắt ngạc nhiên, khi lọt vào vòng knock-out trong bảng đấu với 3 đội từng vô địch UEFA Cup. Việc chỉ thua 0 - 1 ở trận lượt đi cho phép APOEL mơ đến câu chuyện cổ tích tưởng như chẳng bao giờ lặp lại ở sân chơi sặc mùi thương mại và thực tế như Champions League.

So với một rừng tên tuổi ở Champions League thì cái tên khó đọc của APOEL mang lại cảm giác lạ hoắc. Kỳ thực thì họ từng một lần được dự sân chơi danh giá nhất lục địa già cách đây 2 năm (mùa bóng 2009 - 2010), tất nhiên lúc đó chỉ với tư cách lót đường. Giờ thì cả châu âu đang nhìn họ như một hiện tượng thú vị đến mức ngỡ ngàng.
Không giống các tân binh khác vốn được trang bị hàng đống tiền và ít nhất có 2 - 3 cầu thủ đạt chất lượng hàng đầu, kiểu như Tottenham có Modric, Bale, Van Der Vaart năm trước, đội hình của APOEL chẳng có một tên tuổi nên hồn, hầu hết là cầu thủ nội. Họ chơi ở một giải vô địch quốc gia bét nhất châu âu, thậm chí Liên đoàn bóng đá nước này còn không thuộc FIFA do các vấn đề quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng nhất ở đây nhưng tên tuổi của những đội bóng lớn là AEL Limassol, APOLLON FC, Anorthosis thì hoàn toàn xa lạ. Nói tóm lại, việc APOEL vào đến vòng đấu này đã là chuyện không thể tin nổi.
Tất nhiên là APOEL cũng có nhiều lợi thế. Trước hết, họ rơi vào bảng đấu nhẹ nhàng nhất với Zenit, Porto, Shakhtar - những đội không thực sự quá mạnh. Nhưng điều đó không nói rằng chiến thắng của APOEL là không xứng đáng. Bởi lẽ cả Zenit, Porto, Shakhtar đều là những nhà vô địch Europa League, Porto thậm chí đã vô địch Champions League. Yếu tố bất ngờ cũng là điều đáng kể khi APOEL quá mới mẻ và lối chơi khá lạ mắt. Họ đá theo sơ đồ 4 - 2 - 3 - 1 và tất nhiên luôn xuất phát theo tư thế chiếu dưới với lối đá phòng thủ phản công. Gần như chỉ có 3 cầu thủ tham gia tấn công là 2 tiền vệ cánh và tiền đạo Ailton Almeida. Cặp tiền vệ trung tâm là Morais và Pinto gần như chỉ lo phòng thủ và có nhiệm vụ hỗ trợ các cánh khi bị công phá. Vì thế, lực lượng ở giữa sân của họ thường rất mỏng. Trung bình, họ kiểm soát bóng chỉ bằng 1/2 đối thủ, tập trung vào việc phòng thủ, sau đó chắt chiu cơ hội phản công. APOEL rất trân trọng các cơ hội nên dù sút ít hơn đối thủ (thường chưa đến 10 lần/trận), họ lại ghi được nhiều bàn hơn. Thậm chí, giờ tìm thông tin về APOEL cũng khó vì họ quá lạ lẫm. Đội bóng đảo Síp có phần bí ẩn khi sử dụng lối chơi na ná kiểu Hy Lạp từng vô địch Euro 2004, tức là dứt điểm ít nhưng hiệu quả, cộng với phòng thủ chặt chẽ. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận là họ gặp nhiều may mắn, từ các đối thủ ở vòng sơ loại đến sự đen đủi đến mức khó hiểu của đối thủ.
Bất chấp những chuyện đó, APOEL giờ đang mang trọng trách gánh vác cả bộ mặt của bóng đá đảo Síp. Lần đầu tiên họ được chú ý đến vậy. Người dân đã đổ ra đường ăn mừng khi APOEL thắng Porto ở vòng bảng. Tại đất nước chịu nhiều ảnh hưởng do cuộc nợ công, bóng đá giờ trở thành ánh sáng duy nhất. Công bằng mà nói thì sau khi lọt qua vòng bảng, APOEL đã đánh mất đi chất ngổ ngáo và can đảm khá nhiều. Họ bị áp đảo hoàn toàn bởi một đội bóng già dơ và trên cơ như Lyon chỉ tung ra được đúng một cú sút về phía khung thành của Lloris, còn lại là tử thủ số đông và chịu trận hoàn toàn. Lẽ ra APOEL đã chẳng có tí niềm tin nào nếu như các chân sút của Lyon không tồi đến thế.
Dù kết quả trên bảng tỷ số không phản ánh hết cách biệt mênh mông giữa hai đội thì thua 0 - 1 vẫn mang lại nhiều hy vọng hơn. APOEL có thể viết nên một câu chuyện cổ tích không hoặc cái kết của họ sẽ như thế nào, bi đát như số phận của những kẻ thấp cổ bé họng muốn chen chân vào thế giới nhà giàu?