Giấc mơ châu Âu đi về đâu?

Nhật An 03/11/2016 08:06

Sau nhiều năm thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, cùng với đó là việc Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và cuộc khủng hoảng di cư tị nạn lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, dường như giấc mơ về một châu Âu đoàn kết đang vỡ vụn.

Mong ước về châu lục đoàn kết

Được ký kết vào tháng 2.1992 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11.1993, Hiệp ước Maastricht đánh dấu sự ra đời của Liên minh châu Âu (EU), lập nên Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU), với việc sử dụng đồng tiền chung, tạo lập Ngân hàng Trung ương, hợp nhất thị trường đơn lẻ. Nó cũng đặt nền móng cho chính sách an ninh và đối ngoại chung, thắt chặt hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực tư pháp và nội chính.

Các bộ trưởng châu Âu ký kết Hiệp ước Maastricht năm 1992 Nguồn: Independent
Các bộ trưởng châu Âu ký kết Hiệp ước Maastricht năm 1992 Nguồn: Independent

Bắt nguồn từ dự án châu Âu, Hiệp ước được đưa ra nhằm xây dựng một lục địa đoàn kết sau Thế chiến II. Nó đóng vai trò lịch sử trong việc thúc đẩy hội nhập và tạo sự phối hợp chính trị cần thiết giữa các nước ở châu Âu, nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng của thời đại. Theo Giáo sư sử học châu Âu đương đại và hội nhập châu Âu tại Đại học Maastricht, Mathieu Sergers, Hiệp ước Maastricht đặt ra khuôn khổ trong đó sự hội nhập châu Âu và sự hòa giải giữa Pháp - Đức có thể được bảo đảm trong một thế giới bên ngoài cuộc Chiến tranh Lạnh. Văn bản đã tạo điều kiện cho châu Âu tái thống nhất vào những năm 1990 và đẩy mạnh hội nhập, tiếp tục tiến vào thế giới vốn ngày càng hỗn loạn ở đầu thế kỷ XXI. Giáo sư chính trị học tại Đại học Vrij ở Amsterdam (Hà Lan) Ben Crum cho rằng, châu Âu có thể đã không đối phó được với sức ép gia tăng từ các cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng người di cư tị nạn tới Brexit, nếu hợp tác chính trị không được tăng cường nhờ Hiệp ước Maastricht.

Ở Anh, phong trào 48% (được đặt tên theo tỷ lệ cử tri bỏ phiếu ủng hộ Anh tiếp tục là thành viên EU trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6) đã đấu tranh chống lại làn sóng hoài nghi và phản đối EU ngày càng mạnh mẽ. Đối với nhiều người trong phong trào này (chủ yếu tập trung ở tầng lớp thượng lưu thành thị), EU đại diện cho sự tôn vinh nền văn minh hiện đại và được xem như giấc mơ tự do, nơi quyền lợi của người lao động, sức khỏe, sự an toàn của công dân trong khu vực được đặt lên trên hết. Tuy nhiên, phong trào 48% đã không thể chiến thắng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tăng mạnh ở Anh, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

Thay đổi để tồn tại

Sau 25 năm kể từ khi một số nước châu Âu ký hiệp ước thành lập EU tại thành phố Maastricht, những mục tiêu tham vọng của Hiệp ước vẫn chưa thực hiện được. Các chuyên gia cho rằng, tuy nó là ý tưởng được hiện thực hóa của 12 nước thành viên Cộng đồng châu Âu (EC) vào thời điểm ký kết, song không phải là hiệp ước dành cho 28 quốc gia thành viên EU sau khi liên minh này mở rộng.

Một lý do mà các mục tiêu chưa thành hiện thực là Hiệp ước tạo ra một EMU không hoàn thiện và dễ bị tác động. Theo giáo sư Sergers, việc thành lập EMU được thực hiện quá sớm. Các nhà kinh tế cho rằng, một liên minh tiền tệ chỉ có thể ra đời khi hoàn thiện một liên minh chính trị và có một nhóm các nền kinh tế giàu sức cạnh tranh ở Tây, Bắc Âu làm nòng cốt. Hiệp ước Maastricht đặt ra các tiêu chuẩn như điều kiện để sử dụng đồng tiền chung, trong đó có tiêu chuẩn về nợ công, thâm hụt ngân sách, lạm phát và giữ ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nó lại không có cách nào bảo đảm rằng một số thành viên khu vực đồng euro, cụ thể là các nước Nam Âu, chấp nhận cải cách để ngăn các nền kinh tế này khỏi bị chia tách.

Hội nhập không thể diễn ra dễ dàng, song cũng không thể đổ lỗi cho bản hiệp ước. Văn bản đã đặt ra lộ trình thành lập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), quyết định việc nước nào sẽ gia nhập được đưa ra sau đó. Vấn đề với EMU là các nhà lãnh đạo châu Âu đã mở rộng nó quá nhanh vì các lý do chính trị, giáo sư Sergers cho hay.

Các cuộc khủng hoảng liên tiếp mà EU phải đối phó, cùng với đó là sự bất mãn của các Chính phủ trước những quy định mang tính ràng buộc mà EC áp đặt với các nước thành viên khiến EU ngày càng trở nên chia rẽ. Các nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng di cư tị nạn hiện nay là một ví dụ cho thấy khó khăn của châu Âu trong việc đạt được những thỏa thuận chung.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, mặc dù đã tạo khuôn khổ để các nước thành viên EU phối hợp các chính sách và hành động, song Hiệp ước Maastricht cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới để vẫn là cơ sở cho sự hội nhập. Theo giáo sư Crum, việc đó đòi hỏi quyết tâm chính trị của các nước thành viên EU, trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan. 

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giấc mơ châu Âu đi về đâu?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO