Giá xăng và áp lực phục hồi kinh tế

- Thứ Năm, 18/11/2021, 04:49 - Chia sẻ
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nền kinh tế nước ta từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định nhưng kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sức ép lạm phát do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thị trường quốc tế, trong đó, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế liên tục tăng cao có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế.

Trong hai kỳ gần đây nhất, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, chiều 26.10, giá xăng dầu tăng kỷ lục từ đầu năm tới nay với mức tăng gần 1.500 đồng/1lít, trong đó, giá xăng RON95-III bán ra lên tới 24.338 đồng/lít. Còn tại kỳ điều chỉnh ngày 10.11, giá xăng tiếp tục tăng từ 550 - 660 đồng/lít; trong đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.990 đồng/lít - mức cao nhất từ tháng 7.2014. Lý do, theo liên Bộ Công thương - Tài chính là bởi giá xăng dầu thế giới tăng cao nhất trong vòng nhiều năm qua đã gây sức ép lên giá xăng dầu trong nước.

Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn có những diễn biến khó lường như hiện nay. Hơn nữa hiện nay, nước ta phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Do đó, giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Phân tích thêm về vấn đề này, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, giá xăng dầu tăng có tác động rất lớn tới ngành đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ, đường thủy và hàng không. Ngoài tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến GDP giảm khoảng 0,5%; chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng còn ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Ý kiến khác cũng cho rằng, việc giá xăng dầu tăng không chỉ trong thời điểm hiện tại và còn có thể kéo dài sang những tháng tiếp theo, thậm chí sang cả năm 2022 sẽ tạo "lực đẩy" với giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Đây là điều đáng lo ngại với sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời ảnh hưởng đến sức hồi phục của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung. Do đó, liên Bộ Công thương - Tài chính phải có giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp nhằm giảm thiểu các tác động đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.

Để ổn định giá xăng dầu, chỉ có thể thực hiện qua hai công cụ là thuế, phí và quỹ bình ổn giá. Thế nhưng quỹ bình ổn đã sắp hết nên giải pháp căn cơ chỉ còn ở dư địa thuế, phí bởi hiện nay, mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường đang phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng, 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4.000 đồng/lít.

Bởi vậy, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì nên tính toán giảm thuế nhập khẩu. Thuế môi trường cũng nên tạm thời duy trì ở mức hợp lý vì dù mức tăng vừa qua chưa phải quá lớn so với một số thời điểm trước đây nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nền kinh tế cũng đang trong quá trình phục hồi thì giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh sẽ đẩy các chỉ số tăng giá của các ngành khác. Do đó, điều cần thiết là phải giữ ổn định giá xăng dầu để ổn định, phục hồi kinh tế - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Ninh Hà