Bảo đảm nguồn cung và giá cả ổn định đối với xăng dầu rất quan trọng
Xăng dầu là mặt hàng có vị thế đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược, bảo đảm về an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân. Theo đó, những biến động của thị trường xăng dầu sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và an sinh xã hội. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định đối với mặt hàng xăng dầu có ý nghĩa rất quan trọng.
Thời gian qua, nhiều văn bản đã được ban hành nhằm tạo khung khổ pháp lý, góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu, cũng như nhằm ổn định giá đối với mặt hàng đặc biệt này. Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, việc điều hành xăng dầu để bảo đảm nguồn cung và giá cả được điều hành theo các nghị định, trong đó, có Nghị định số 83/2014/NĐ-C, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ... Các nghị định cũng quy định cụ thể đối với thương nhân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh xăng dầu, phải bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
“Hiện nay, chu kỳ điều hành giá xăng dầu đã được rút ngắn chỉ còn 7 ngày 1 lần và giá cả xăng dầu của Việt Nam đã bám sát giá xăng dầu của thế giới. Hàng năm, theo chu kỳ hoặc đột xuất, Chính phủ đều đưa ra các văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm sản xuất và tiêu dùng trong nước đối với xăng dầu”, bà Hiền nói.
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách đánh giá cao công tác điều hành mặt hàng xăng dầu thời gian qua khi chúng ta có “các biện pháp kiểm soát để giá xăng dầu ít ảnh hưởng đến nền kinh tế”. Chúng ta thiết lập hệ thống phân phối, kiểm soát, duy trì thị trường bình ổn không xảy ra đứt gãy. Chính phủ đã ban hành 5 nghị định, Thủ tướng đã ban hành 1 Quyết định liên quan đến xăng dầu, điều này thể hiện sự phản ứng kịp thời với yêu cầu cuộc sống, ông Cường nói.
Tháo gỡ “nút thắt” bằng hoạch định chính sách
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, xăng dầu được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, việc nhận diện tháo gỡ những “nút thắt” trong hoạt động kinh doanh xăng dầu để mặt hàng đảm bảo cung cấp ổn định cho mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn.
Là mặt hàng liên thông nhiều mặt hàng khác, xăng dầu phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố. Do đó, cần bảo đảm cơ chế, chính sách để bình ổn thị trường đối với xăng dầu, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội.
Đề cập đến nguồn cung xăng dầu, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta đã ở giai đoạn đủ điều kiện hội nhập vào thị trường. Nguồn cung không chỉ dựa vào quốc tế mà doanh nghiệp trong nước đã tạo ra nguồn cung lớn. Liên thông quốc tế hiện nay rất mạnh. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay cũng nhiều, tính cạnh tranh cao, không còn độc quyền. Do đó, chủ trương là phải sử dụng quan hệ thị trường, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng lưu ý, để vận hành theo cơ chế thị trường thì cần 3 yếu tố. Một là, phải được tự do mua bán, cạnh tranh hoàn hảo. Sự cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng, tuy nhiên phải có công cụ để kiểm soát chất lượng đối với xăng dầu. Hai là yếu tố định giá. Tuy nhiên, cần phải rất cẩn trọng bởi nếu không kiểm soát được sẽ có hiện tượng “khai vống” để trốn thuế. Do đó, phải có công thức tính toán cụ thể, đây chính là cơ sở để doanh nghiệp tính giá. Theo ông Cường, công thức này là rất cần thiết, bởi liên quan đến chính sách điều hành của Nhà nước là chính sách thuế. Ba là, nhà nước điều hành qua cơ chế thuế, không chỉ thuế xuất nhập khẩu, mà còn thuế bảo vệ môi trường.
Sửa đổi nghị định lần này sẽ theo hướng bảo đảm an ninh năng lượng, tiến tới cạnh tranh minh bạch trong kinh doanh xăng dầu. Giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào kinh doanh xăng dầu, bảo đảm tính thực tế khoa học phù hợp với thực tiễn của quản lý nhà nước, hài hòa với người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó là cắt giảm những thủ tục hành chính.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Dưới góc nhìn doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này, ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ APP Thanh Hóa 1 chỉ ra một thực tế, các cửa hàng phân phối, thương nhân bán lẻ đều hết sức khó khăn, thua lỗ. Một trong những nút thắt dẫn đến tình trạng khó khăn này theo ông Dũng là do “chiết khấu thấp”.
Để cho hệ thống phân phối xăng dầu bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ đời sống dân sinh thì cơ bản nhất phải đủ chi phí vận hành của hệ thống. Từ đó, chuỗi cung ứng được duy trì, và phải có một chút tích lũy cho chủ đầu tư, cho cổ đông, cho những người góp vốn vào những doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu đó, ông Dũng nói.
Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, ông Dũng bày tỏ mong muốn, những khó khăn, nút thắt được tháo gỡ bằng cách hoạch định chính sách. Nhà nước có cơ chế, chính sách để bảo đảm các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh một cách bình đẳng trên cơ sở nỗ lực và cải tiến những chi phí của mình. Theo đó, có quy định tháo gỡ về chiết khấu để bảo đảm doanh nghiệp, đặc biệt là thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ có chiết khấu đủ duy trì hoạt động và có lãi để phục vụ, bảo đảm được cho đời sống dân sinh.