Giá vàng ngày 25/5: Vàng miếng bật tăng lên 121 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay. Vàng miếng SJC 121 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới 11 triệu đồng/lượng. Tại cuộc họp chiều 24/5, Thủ tướng yêu cầu đưa chênh lệch giá vàng với thế giới còn 1-2%.
Trong nước và thế giới đồng loạt tăng mạnh
Sáng sớm nay, vàng miếng SJC được DOJI và SJC niêm yết ở mức 119 – 121 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng so với hôm qua. Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý cũng ghi nhận mức tăng tương tự, đưa giá vàng miếng lên vùng 121 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn 9999 của DOJI tăng 1 triệu đồng ở chiều mua vào, lên 113,5 – 116 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu nâng giá nhẫn vàng lên 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay ghi nhận lúc 4h30 (giờ Việt Nam) đạt 3.340,05 USD/ounce, tăng mạnh 52,59 USD so với phiên liền trước. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (26.130 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 109,16 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 11,34 triệu đồng/lượng.
Thủ tướng chỉ đạo thu hẹp chênh lệch giá vàng còn 1–2%
Tối 24/5, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có biện pháp cụ thể, quyết liệt để đưa chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế về mức hợp lý 1–2%. Hiện chênh lệch này vẫn đang ở ngưỡng trên 10%.
Đây được xem là chỉ đạo mạnh mẽ trong bối cảnh giá vàng nội địa liên tục neo cao, ảnh hưởng đến tâm lý người dân và sự ổn định của thị trường tài chính.

Vàng tăng mạnh nhất từ đầu tháng 4 do lo ngại toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng mạnh trái ngược với các dự báo trước đó. Giới đầu tư đang đổ xô mua vàng phòng ngừa rủi ro trước kỳ nghỉ lễ Memorial Day tại Mỹ và căng thẳng thương mại leo thang. Tổng thống Donald Trump cảnh báo áp thuế cao với EU và Apple, trong khi Foxconn vẫn thúc đẩy kế hoạch xây nhà máy 1,5 tỷ USD tại Ấn Độ, cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang biến động mạnh.
Ông Tai Wong, nhà đầu tư kim loại độc lập, nhận định những phát biểu cứng rắn của ông Trump đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu, góp phần đẩy vàng tăng giá. Cùng quan điểm, chuyên gia David Morrison (Trade Nation) cho rằng đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ vàng, nhưng cảnh báo thị trường vẫn rất nhạy cảm và có thể điều chỉnh bất kỳ lúc nào.
Một số chuyên gia dự đoán kỳ nghỉ lễ có thể khiến thị trường tạm "giảm nhiệt", song về dài hạn, nếu bất ổn tiếp tục leo thang, vàng vẫn có tiềm năng giữ vững đà tăng.
Dự báo vàng có thể chạm 4.000 USD/ounce
Tuần qua, giá vàng đã tăng tới 5,1%. Chuyên gia Daniel Pavilonis (RJO Futures) dự đoán nếu vàng vượt 3.500 USD/ounce, sẽ có cơ hội lên đến 3.800 USD. Trong khi đó, chuyên gia Imaru Casanova (VanEck) cho rằng dù vàng tăng mạnh, tỷ trọng đầu tư vào vàng hiện chỉ chiếm 1% tài sản toàn cầu. Bà khuyên nhà đầu tư nên dành khoảng 5% danh mục cho vàng để phòng ngừa rủi ro.
Chiến lược gia Larry McDonald thì cho rằng kinh tế toàn cầu đang phát tín hiệu tiêu cực. Ông dẫn chứng việc Warren Buffett đang giữ kỷ lục tiền mặt 348 tỷ USD để phòng bất trắc, và khuyên nhà đầu tư nên thận trọng với sóng tăng giá vàng.
Tuy nhiên, McDonald cũng tiết lộ nhiều ngân hàng trung ương đang tăng mua vàng và dự đoán giá có thể đạt 4.000 USD/ounce vào năm 2026.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại cảnh báo rằng nhu cầu vàng tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến ổn định tài chính nếu xảy ra các biến cố lớn. Tuy nhiên, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) phản bác, cho rằng vàng vẫn là tài sản chiến lược, giữ giá ổn định, thanh khoản cao và phù hợp trong thời điểm bất ổn.
Ông Joseph Cavatoni, chiến lược gia cấp cao của WGC, cho biết: “Thị trường vàng có khối lượng giao dịch lên đến 165 tỷ USD mỗi ngày, chỉ sau hợp đồng tương lai S&P 500. Vàng vẫn là công cụ phòng vệ hàng đầu với mọi nhà đầu tư”.