Giá trị dân chủ và sứ mệnh của đại biểu Nhân dân

Nguyễn Vân Hậu - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc, Lâm Đồng 06/02/2017 07:26

Bảo vệ những giá trị cốt lõi của nền dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ cương, pháp luật nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân trong đời sống chính trị - xã hội, làm cho dân tin, đồng lòng thực hiện, đó là sứ mệnh cao cả của đại biểu Nhân dân.

HĐND - một thiết chế bảo vệ nền dân chủ

Để quyền lực nhà nước chỉ thuộc về Nhân dân, cơ chế Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền lực ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và thể chế hóa bằng pháp luật ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước. Kể từ sắc lệnh đầu tiên về tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) và Hiến pháp 1946, đến nay, trải qua hơn 70 năm, lịch sử lập Hiến, lập pháp của nước ta có 5 bản Hiến pháp, 7 luật về tổ chức CQĐP được ban hành gắn liền với mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Dù mô hình tổ chức bộ máy chính quyền và tên gọi có khác nhau nhưng địa vị pháp lý của cơ quan quyền lực Nhân dân và giá trị cốt lõi của nền dân chủ luôn được khẳng định trong Hiến pháp, pháp luật và trên thực tế như một chân lý khách quan.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương chỉ là những người đại biểu của Nhân dân, thi hành mệnh lệnh, ý chí của Nhân dân, sự ủy quyền của Nhân dân. Khi hết nhiệm kỳ, Nhân dân thu hồi quyền của mình, trao quyền ấy cho những người đại biểu Nhân dân ở nhiệm kỳ mới do dân bầu ra. Cơ chế ấy đã vượt qua nhiều thử thách, trở lực, không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, chứa đựng sâu sắc bản chất của một Nhà nước pháp quyền kiểu mới, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; vận hành thực thi quyền dân chủ sinh hoạt chính trị toàn dân trong suốt chiều dài lịch sử hoạt động của cơ quan dân cử, tô thắm và làm sâu sắc thêm giá trị tốt đẹp của nền dân chủ xã hội trên đất nước ta.

Đại biểu dân cử phải liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân Ảnh: Khánh Duy
Đại biểu dân cử phải liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân Ảnh: Khánh Duy

Khẳng định và tự hào vì những đóng góp to lớn của bao thế hệ những người đại biểu Nhân dân để làm giàu giá trị của nền dân chủ ở đất nước ta; chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, giữa lý luận và thực tiễn về vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương thời gian qua chưa thống nhất, thiếu cơ chế để phát huy hiệu quả quyền làm chủ của Nhân dân... Vì vậy, thực hành dân chủ có mặt, có nơi còn hình thức, một số lĩnh vực còn bị vi phạm… Những vấn đề trên đang đặt ra yêu cầu và mệnh lệnh mới phát triển thiết chế dân chủ ở nước ta.

Sứ mệnh của cơ quan dân cử

 Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thể hiện nhân dân lao động làm chủ Nhà nước thì đại biểu do dân bầu ra phải có mối liên hệ thường xuyên với Nhân dân; thoát ly mối liên hệ này, Nhà nước rất dễ rơi vào quan liêu, trì trệ, đứng trên đầu Nhân dân, trái với bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Vấn đề hiện nay là cần đổi mới nội dung, hình thức TXCT, phương pháp thu thập ý kiến cử tri và Nhân dân, khắc phục tình trạng hành chính hóa, chỉ coi trọng ý kiến tại các “hội nghị” TXCT, chưa coi trọng dư luận xã hội và ý kiến số đông không có điều kiện dự hội nghị TXCT. Hệ lụy là có lúc chỉ một ý kiến của cử tri nêu ra tại “hội nghị” được coi là nguyện vọng của cử tri chung chung, chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn khách quan, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạch định chính sách và quyết định quản lý của chính quyền.

Quan điểm bất biến tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân trong các bản Hiến pháp nước ta đã khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Cơ quan dân cử là một trong những chủ thể khách quan nhận sứ mệnh tiên phong thực thi và bảo vệ nền dân chủ đó. Nhân dân kỳ vọng các cơ quan đại diện cho mình, trước hết là HĐND các cấp - cơ quan gần dân nhất - phải thể hiện cụ thể trách nhiệm và bản lĩnh, luôn nỗ lực hành động để bảo đảm các hình thức dân chủ luôn gắn liền với kỷ cương, luật pháp và sự phát triển của xã hội.

Trước hết, cần nhận thức sâu sắc rằng, các kỳ họp HĐND các cấp theo luật định là hình thức hoạt động chủ yếu để vận hành cơ chế Nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Vì vậy, công tác chuẩn bị nội dung các kỳ họp HĐND là bước quan trọng trong thực hành dân chủ, giúp HĐND đưa ra quyết sách đúng đắn. Tuy pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND ngày càng đổi mới và hoàn thiện, tạo ra chuyển biến tích cực ở các cấp, nhưng chưa khắc phục được hạn chế trong việc ban hành nghị quyết của HĐND, nhất là nghị quyết có tính quy phạm; một số dự thảo nghị quyết, đề án trình ra kỳ họp chưa bảo đảm quy trình, chưa tổ chức lấy ý kiến các đối tượng tác động và cơ quan liên quan theo quy định pháp luật. Việc gửi tài liệu chậm, đại biểu ít có thời gian hoặc không dành thời gian nghiên cứu trước kỳ họp, nể nang trong công tác thẩm tra và vẫn còn tình trạng“trình gì thì HĐND xem xét đó; trình gì quyết đó, không trình không xem, không quyết”.

Theo Luật Tổ chức CQĐP năm 2015, vai trò của Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND nhưng nhiệm vụ, quyền hạn chưa cụ thể, tương xứng với vị thế chính trị được giao, vẫn chỉ là “phối hợp” với UBND, UBMTTQ và các cơ quan cùng cấp trong việc chuẩn bị kỳ họp, chưa có thẩm quyền quyết định một số vấn đề thuộc quyền hạn HĐND giữa hai kỳ họp. Các nội dung phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo luật định nhằm mở rộng dân chủ, phát huy quyền hạn chính quyền địa phương đang là những mục tiêu ở phía trước.

Thứ hai, giám sát là một trong những hình thức thực hành dân chủ trực tiếp ở nước ta, trong đó có giám sát quyền lực nhà nước của cơ quan dân cử và giám sát phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Vai trò của HĐND các cấp trong thực hiện chức năng giám sát quyền lực rất lớn, vừa mang ý nghĩa thực hiện sự “ủy quyền” của Nhân dân, vừa là một trong những hình thức cơ bản của nền dân chủ XHCN, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành của cơ chế Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; củng cố, giữ vững kỷ cương, pháp luật, quản trị địa phương theo pháp luật và đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, tha hóa quyền lực trong bộ máy nhà nước. Cùng với việc hoàn thiện thể chế cơ quan dân cử, QH đã ban hành Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015, mở rộng nội dung, hình thức, chủ thể thực hiện giám sát, đặt lên vai đại biểu Nhân dân trách nhiệm chính trị nặng nề thực hiện sứ mệnh thực hành dân chủ trong giai đoạn lịch sử mới của cơ quan dân cử.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giá trị dân chủ và sứ mệnh của đại biểu Nhân dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO