Giá trị cốt lõi không thể tách rời
Diện mạo phát triển của doanh nghiệp (DN) nhìn sâu xa cũng chính là bộ mặt của mỗi quốc gia. Điều này hàm ý rằng, tự thân mỗi DN phải đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước để phát triển DN một cách bền vững. Đây là một trong những thông điệp được đưa ra tại Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo dức kinh doanh”, tổ chức sáng 5.12 tại Hà Nội.
Không tách rời khỏi sứ mệnh của DN
Trên thực tế, rất nhiều DN đã quan tâm tới vấn đề xây dựng văn hoá DN và chú trọng đạo đức trong kinh doanh. Tuy nhiên, để hiểu một cách toàn diện về vấn đề này lại là điều không đơn giản, vì vậy đến nay vẫn chưa nhiều DN thực hiện được.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, văn hóa DN có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của DN. Trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ XXI, xây dựng văn hóa DN chính là tổng hoà của các vấn đề xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng DN Việt Nam, là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.
Trước hết, văn hóa DN bao gồm các nhận thức và hoạt động liên quan đến nghĩa vụ của DN đối với Nhà nước như việc nộp thuế, tuân thủ pháp luật…; với xã hội là tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng, tìm kiếm và đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu cần thiết trong xã hội, đảm bảo thỏa mãn người tiêu dùng về mọi mặt khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của DN, tôn trọng hợp đồng với đối tác và bảo vệ môi trường, làm từ thiện…; và trong ứng xử nội bộ của DN gồm quan hệ đồng nghiệp, cấp trên - cấp dưới, người lao động với chủ sử dụng lao động, các ứng xử và giá trị truyền thống tinh thần trong và giữa các đơn vị, cá nhân trong DN...
TS Đỗ Hữu Hải, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh bổ sung, chủ sở hữu DN phải xây dựng văn hoá DN trên nền tảng bảo tồn và phát triển các giá trị và tài sản được uỷ thác; đồng thời mang lại lợi ích tối đa và công bằng cho các bên liên đới khác. Tóm lại, DN phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý chính thức đối với các bên hữu quan, bao gồm 5 khía cạnh là điều tiết cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng; bảo vệ môi trường; an toàn và bình đẳng; và khuyến khích phát hiện và ngăn chặn hành vi sai trái.
![]() Quang cảnh hội nghị |
Nhận diện lợi ích
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, xây dựng thương hiệu thực chất là quá trình tạo dựng hình ảnh, ấn tượng; lòng tin, những quan niệm, nhận định tốt đẹp của khách hàng và công chúng về sản phẩm/dịch vụ của DN và cả chính DN. Vì vậy, văn hoá DN là toàn bộ các quy tắc ứng xử, cách nghĩ, chuẩn mực, đường lối kinh doanh… có tác dụng đặt dấu ấn tới hành vi, thái độ, niềm tin và quan hệ của các thành viên, từ đó tạo dựng hình ảnh DN trên thị trường.
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng nhắc lại rằng khi DN kinh doanh có đạo đức, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài. TS Đỗ Hữu Hải cho biết, trước hết DN sẽ tạo được bầu tâm lý làm việc hiệu quả của nhân viên, khiến nhân viên cảm thấy thoả mãn về DN cũng như chính mình, tăng lòng trung thành và trách nhiệm chuyên môn, làm việc hêt mình với sự thành công của DN. Lợi ích tiếp theo là phát triển được các mối quan hệ tin cậy với khách hàng. Ngoài ra DN tối thiểu hoá các thiệt hại do sự phá hoại ngầm của nhân viên, từ đó DN ít phải hầu toà do tránh được các vụ kiện tụng. Tóm lại, DN tránh được những rủi ro, bất trắc trong hoạt động kinh doanh.
Ở tầm rộng hơn, đạo đức kinh doanh góp phần vào sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia; tạo nên nền sản xuất ổn định, công bằng; tạo sự phát triển bên vững, giảm tỷ lệ tham nhũng, các tật xấu trong kinh doanh; tạo uy tín các cổ đông nước ngoài; tạo sự phát triển bền vững trong mỗi DN sẽ góp phần vào sự bền vững nền kinh tế.
Tuy nhiên để xây dựng được văn hoá DN và đạo đức kinh doanh, nếu chỉ trông chờ vào DN sẽ rất khó khăn. TS Nguyễn Minh Phong phân tích, về bản chất DN là thực thể kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, nên họ sẽ không tự nguyện và tự nhiên coi người tiêu dùng là mục đích tự thân, mục đích cao nhất của mình, nếu không có luật pháp và các thể chế kinh tế xã hội và cạnh tranh thị trường tương ứng định hướng và buộc DN tuân thủ.
Nói cách khác, cần có cả hệ thống pháp luật, sự đồng bộ và vận hành đầy đủ các thể chế thị trường lành mạnh, cũng như dư luận xã hội tạo áp lực để DN tự nhận thức, điều chỉnh hành vi, xây dựng và thực thi các quy định nội bộ thực sự coi việc bảo đảm quyền của người tiêu dùng quyền được tiếp cận, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ trong cuộc sống thường ngày an toàn, thuận lợi, với chất lượng cao và giá cả phù hợp… Đây sẽ vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lành mạnh trong văn hoá mỗi DN.