Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam có khoảng 4.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung mỗi năm, trong đó hơn 2.000 ca tử vong, tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung.
Tại Việt Nam năm 2020 là 6,6 trên 100.000 phụ nữ, chiếm 2,3 % tỷ lệ ung thư chung; với tỷ lệ tử vong mức 3,4 trên 100.000 người.
Theo bác sĩ Bệnh viện K, ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính, thường gặp đứng hàng thứ 4 ở phụ nữ và thứ 2 ở phụ nữ độ tuổi sinh sản sau ung thư vú. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do nhiễm HPV.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra 99% ca mắc dương tính HPV. Trong đó, chủng HPV 16, 18 gây ra >70% trường hợp ung thư cổ tử cung . Vấn đề dậy thì sớm, trẻ vị thành niên bước vào đời sống tình dục sớm hơn so với trước đây cũng liên quan tới tỷ lệ mắc ung thư tăng ở phụ nữ trẻ.
Các yếu tố nguy cơ như: Quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, bạn tình nhiễm HPV, suy giảm miễn dịch, nhiễm Chlamydia, hút thuốc lá chủ động và thụ động, sinh nhiều con (từ 3 con), điều kiện kinh tế kém... cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư này.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm và tiền ung thư không có triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh chủ quan. Đôi khi bệnh nhân bị ra máu âm đạo bất thường sau giao hợp, giữa kỳ kinh hoặc sau mãn kinh, tiết dịch âm đạo bất thường, giao hợp đau, đau vùng chậu, sưng phù chi dưới... tổn thương thường rõ ràng và có thể đã lan rộng.
Phương pháp điều trị hiện nay tuỳ thuộc vào giai đoạn ung thư, loại ung thư, kích thước bướu, tuổi người bệnh, tổng trạng và mong muốn của người bệnh có bảo tồn khả năng sinh sản hay không, gồm khoét chóp, cắt đoạn cổ tử cung hoặc điều trị đa mô thức: phẫu thuật cắt tử cung ; hóa trị, xạ trị,.... Do đó, việc phòng ngừa và phát hiện sớm, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung rất quan trọng.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ nên tiêm chủng vaccine ngừa HPV sớm kết hợp tầm soát, khám phụ khoa định kỳ 6 tháng, bắt đầu tầm soát từ 21 tuổi trở lên khi đã có quan hệ tình dục và mong muốn sàng lọc. Việc phòng bệnh và phát hiện trong thời gian sớm nhất giúp điều trị đúng cách, sẽ giảm áp lực tâm lý và bảo tồn khả năng sinh sản.