Trẻ hóa độ tuổi vi phạm pháp luật
Thời gian gần đây, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, để lại nhiều hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội. Cùng với xu hướng gia tăng về số vụ thì mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng tăng lên. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được đăng tải trên các trang mạng xã hội mà các đối tượng xem đó là những chiến tích để khoe khoang, thách thức pháp luật. Ngoài ra, các đối tượng còn thông qua mạng xã hội thành lập các hội, nhóm để lôi kéo nhau tham gia thực hiện các hành vi phạm pháp. Đáng buồn, độ tuổi vi phạm pháp luật của các đối tượng này ngày càng trẻ, thậm chí nhiều em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Rõ ràng, đây là thách thức lớn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục từ phía gia đình, nhà trường cũng như với các cơ quan chức năng.
Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Trong đó, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Các hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở những hành vi nhỏ lẻ như trộm cắp vặt, gây rối trật tự công cộng mà còn bao gồm cả những tội nghiêm trọng như cướp giật, trộm cắp tài sản có tổ chức, bạo lực học đường và thậm chí là mua bán tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và giết người.

Điển hình, sáng 19.3, lực lượng chức năng nhận tin báo của quần chúng nhân dân về việc xảy ra vụ cháy tại nhà bà L. (sinh năm 1952, trú xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Khi Công an xã Bình Minh có mặt tại hiện trường dập đám cháy thì phát hiện nạn nhân là bà L. tử vong ở đầm nước phía sau nhà. Quá trình điều tra xác định, do thường xuyên bị bà L. mắng vì mải chơi, không chịu học tập, nhiều lần đi chơi khuya nên N.C.T.T (sinh năm 2009, cháu bà L.) đã thuê L.G.B (sinh năm 2010, trú tại khu phố Phước Hiệp, phường Gia Định, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, bạn quen qua mạng) với giá 5 triệu đồng để giết bà L. Sau khi giết bà L., T. và B. đã kéo bà L. dìm xuống đầm nước và châm lửa đốt nhà để xóa dấu vết.
Hay, ngày 26.3 tại Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn một vụ xung đột giữa hai nhóm thanh, thiếu niên tại khu vực quận Long Biên. Cụ thể, thông qua mạng xã hội, P.T.L.A (16 tuổi, quê Thái Bình) biết người yêu cũ của mình đang có quan hệ yêu đương với L.V.N.N (16 tuổi, trú tại Hà Nội) nên đã dọa nạt sẽ đánh cảnh cáo L.V.N.N. Sau đó, 2 người đã nói chuyện, thách thức nhau trên mạng xã hội và đỉnh điểm là rủ thêm bạn bè hẹn gặp để "giải quyết". Quá trình di chuyển, các đối tượng lái xe máy theo đoàn, đi dàn hàng, hò hét, bóp còi inh ỏi, lạng lách, đánh võng, đi tốc độ cao từ 50-90km/h, gây mất trật tự công cộng. Sau quá trình điều tra, Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ, triệu tập làm việc với gần 50 đối tượng liên quan, trong đó 21 người bị bắt khẩn cấp với hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Do nhiều đối tượng chưa đủ tuổi vị thành niên, Công an đang phối hợp với chính quyền địa phương để giáo dục, răn đe và phòng ngừa tái diễn hành vi vi phạm.
Quyết liệt ngăn chặn tội phạm vị thành niên
Hiện nay, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em, người dưới 18 tuổi nói riêng là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan quan tâm chỉ đạo, thực hiện thường xuyên. Để hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên; tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; trong khi đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và Điều 304 của Bộ luật này.
Theo Bộ Công an, nếu người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy hoặc trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện các hành vi phạm tội giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy với tính chất của hành vi là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị coi là tội phạm và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Công an đề nghị và mong muốn người dân tiếp tục quan tâm phối hợp triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội. Đồng thời, tiếp tục có phản hồi, đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này trong thời gian tới.