Gia tăng sức cạnh tranh và giá trị cho hàng thủ công mỹ nghệ
Không chỉ đem lại giá trị kinh tế - văn hóa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề truyền thống còn góp phần tạo bản sắc riêng cho hàng hóa thủ công nước ta. Mỗi làng nghề truyền thống hiện có thu nhập gấp 5-10 lần làng nghề thuần nông. Vì vậy, phải tìm giải pháp để gia tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị hàng thủ công mỹ nghệ, giữ làng nghề truyền thống - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI LÀNG NGHỀ VIỆT NAM LƯU DUY DẦN trao đổi.
- Nước ta có nhiều làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có thương hiệu nổi tiếng, nhưng ngay ở thị trường trong nước cũng khó cạnh tranh với sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ hiện đại hay hàng nhái. Vậy, tình trạng này có nguyên nhân từ đâu?
- Hiện nay, nước ta đã xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ra khoảng 116 quốc gia trên thế giới. Riêng năm 2014, đã xuất khẩu trị giá gần 2 tỷ USD hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, chúng ta đang gặp một số khó khăn, trước hết là do chính sách chưa sát với thực tế sản xuất ở khu vực nông thôn, đặc biệt là chưa có những vùng nguyên liệu. Ngay cả khi có vùng nguyên liệu thì giữa công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại cũng chưa được hướng dẫn. Làng nghề truyền thống chủ yếu phát triển theo kiểu tự phát, với cách làm mang tính tiểu nông, chưa có sự liên kết giữa các hộ gia đình. Vì thế, sản phẩm có thể thẩm mỹ còn kém, chưa bắt mắt với người mua. Ngoài ra, hiện còn thiếu chính sách phù hợp với nghệ nhân, thợ giỏi, trong khi chính sách du lịch ở các làng nghề truyền thống cũng còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết thấu đáo. Một nguyên nhân nữa là nhiều cuộc xúc tiến thương mại phần lớn dành cho các tổng công ty nhà nước hoặc những sở công thương, mà những người này lại không có thể tập hợp được những hàng hóa và bản thân nghệ nhân làm ra. Tôi cho rằng, những hạn chế này là do Nhà nước đã quan tâm đầu tư, nhưng chính sách chưa vào được hoặc có vào thì cũng chưa phù hợp với các làng nghề.
- Việc thiếu kiểm soát hàng giả, hàng nhái các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ liệu có phải là một nguyên nhân, thưa Ông?
- Tại các làng nghề truyền thống hiện có tính cộng đồng cao nên nếu họ siết chặt lại thì có thể kiểm soát quá trình sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Điều cần lo là hàng giả, hàng nhái do lực lượng kiểm soát của chúng ta nhất là lực lượng chức năng thờ ơ và không có thu nhập nên không coi trọng. Hiện nay, ở thị trường nông thôn, người ta coi hàng giả, hàng nhái là chuyện bình thường. Các đoàn thể chính trị xã hội ở đâu cũng có, nhưng những hiệp hội ngành hàng có chỉ là hình thức. Đây đang là những mâu thuẫn có thể ảnh hưởng lớn tới các làng nghề hiện nay.
- Vậy Hiệp hội làng nghề Việt Nam có những khuyến nghị như thế nào nhằm phát triển bền vững làng nghề cũng như gia tăng sức cạnh tranh cho hàng thủ công mỹ nghệ?
- Hiện nay, chính sách thị trường của nước ta đủ rồi, nhưng bây giờ ai làm, phân trách nhiệm ra sao? Cái khó nhất hiện nay là sản phẩm truyền thống có từ hàng nghìn năm, được thế giới rất trọng thị, nhưng làm thế nào để bảo tồn á thì tôi thấy chính sách chưa đầy đủ. Văn hóa truyền thống của nước ta cũng chưa thấm vào từng sản phẩm. Tôi cho rằng, có 5 loại văn hóa phải thấm vào từng sản phẩm của làng nghề như văn hóa sản xuất, văn hóa xã hội, văn hóa sinh hoạt của gia đình và văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật.
Đô thị hóa ngày càng phát triển, làng nghề cũng đang ở tình trạng bị thu hẹp, vậy nên phải quy hoạch thế nào để có thể có hướng sản xuất phù hợp. Cụ thể, phải quy hoạch các loại ngành hàng đồng bộ với nơi có nguyên liệu, lực lượng sản xuất. Và cần kết hợp giữa công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống, vì khi hai yếu tố này gặp nhau sẽ tạo cho sức sống cho làng nghề. Đẩy mạnh tính cộng đồng để bảo tồn và phát triển những giá trị vật chất, tinh thần quý báu trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Theo tính toán, mỗi làng nghề truyền thống có thu nhập gấp ít nhất từ 3 đến 5 lần làng nghề thuần nông. Do vậy, Chính phủ, chính quyền các cấp cần có sự hỗ trợ thiết thực hơn cho làng nghề.
- Xin cảm ơn Ông, nhưng xin có một khuyến cáo, các làng nghề của ta cũng đừng chạy theo cái gọi là thị hiếu nhất thời mà nhanh chóng bỏ truyền thống. Ví dụ giản đơn, cái áo veston Italy thủ công có giá đắt hơn nhiều lần veston hiện đại... Có thể chúng ta đã thấy bài học ngay ở ví dụ này...