Tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Trong đó, không thể không kể đến Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.
Việc kết quả đạt được trong thời gian qua, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Chương trình đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong cả nước và phục vụ xuất khẩu. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai rất nhiều các đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo...
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bùi Nguyễn Anh Tuấn, việc thực thi chính sách này vẫn gặp không ít khó khăn lớn.
Trong đó, vấn đề chất lượng sản phẩm là một trong những rào cản hàng đầu. Nhiều sản phẩm vùng miền, đặc biệt là nông sản, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc yêu cầu về truy xuất nguồn gốc mà các hệ thống phân phối hiện đại đòi hỏi. Điều này khiến việc đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các kênh thương mại điện tử gặp nhiều thách thức.
Chi phí logistics cao và hạn chế hạ tầng giao thông cũng là những khó khăn nghiêm trọng. Do khoảng cách địa lý lớn và điều kiện giao thông chưa đồng bộ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển sản phẩm đến các trung tâm phân phối rất cao, đặc biệt đối với các sản phẩm tươi sống, dễ hỏng. Bên cạnh đó, việc thiếu các cơ sở kho bãi và bảo quản hiện đại khiến việc duy trì chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển gặp nhiều trở ngại.
Hạn chế về năng lực tiếp cận thị trường. Nhiều hộ sản xuất, hợp tác xã tại các vùng khó khăn vẫn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng kinh doanh, marketing hoặc ứng dụng công nghệ số. Dù các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ đưa sản phẩm vùng miền lên nền tảng, nhưng mức độ tiếp cận và khai thác tiềm năng từ các kênh này còn thấp do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.
Để vượt qua những khó khăn này, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bùi Nguyễn Anh Tuấn, cần tiếp tục nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho người dân. Đồng thời, Chính phủ cần cải thiện hạ tầng giao thông và logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển, cũng như tăng cường đào tạo kỹ năng kinh doanh, kỹ năng tiếp thị marketing và ứng dụng số cho người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương.
Chia sẻ tại tọa đàm về định hướng để tiếp tục gia tăng tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương trên các hệ thống thương mại điện tử, ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sàn TMĐT Nông sản Bưu điện (nongsan.buudien.vn), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết, trên hệ thống thương mại điện tử, trung tâm đang tập trung vào việc bán hàng thông qua nền tảng là sàn thương mại điện tử, cộng với cả việc truyền thông bán hàng livestream trên các nền tảng số, hiện tại cũng được đánh giá là mang tính chất nhiều hiệu quả trong việc kinh doanh và tiếp cận đến với khách hàng một cách nhanh nhất cũng như ra đơn hay hiệu quả kinh doanh là tốt nhất. Ngoài ra, nền tảng Nông sản Bưu điện cũng đang thí điểm phát triển những mô hình cửa hàng offline. Sau thời gian thí điểm, có thể sẽ nhân rộng ra, tận dụng lợi thế địa điểm bưu cục của Bưu điện thường ở vị trí khá tốt, sẽ dễ dàng để truyền thông, quảng bá, tiếp cận đến với khách hàng trực tiếp một cách dễ dàng hơn. Đây cũng là một cái giải pháp bán hàng O2O (Online to Offline và ngược lại) để khách hàng dễ tiếp cận hơn đối với các sản phẩm thực tế.