Gia tăng di cư nội địa: Nguyên nhân từ thu nhập thấp và thiếu cơ hội việc làm
Báo cáo Tình hình di cư nội địa của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS); Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa công bố cho thấy, thu nhập thấp và thiếu cơ hội việc làm là những nguyên nhân thúc đẩy di cư nội địa.

Điều này sẽ trở nên phổ biến trong bối cảnh các chương trình phát triển sinh kế của địa phương hiện còn rất hạn chế, cả về vốn và phương án hỗ trợ. Đáng lưu ý, ngày càng có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số trẻ tuổi di cư để có triển vọng việc làm tốt hơn, với mức độ tự chủ cao khi đưa ra các quyết định di cư.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ một trong những thách thức nổi bật của người dân tộc thiểu số di cư là các thủ tục hành chính. 34% người tham gia khảo sát cho biết họ đang không có đăng ký cư trú nào tại nơi đến. Không có đăng ký cư trú xảy ra thường xuyên hơn ở nhóm 18 - 24 tuổi (34%), cũng như ở dân tộc Sán Dìu (23%) và Tày (40%).
Công việc của nữ giới dân tộc thiểu số tại các khu vực phi chính thức bấp bênh hơn, thu nhập thấp và có nguy cơ bị bạo lực cao hơn. Tuy nhiên, nữ giới tham gia nghiên cứu làm nghề tự do lại đang không được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) hay bảo hiểm xã hội (BHXH). 99% người tham gia khảo sát (làm trong khu vực chính thức) cũng cho rằng hai loại bảo hiểm này là rất cần thiết.

Bảo hiểm thật sự quan trọng với người di cư, bởi 20% nam giới và 18% nữ giới trong khảo sát đều gặp phải từ “nhiều” cho đến “rất nhiều” khó khăn về các vấn đề chăm sóc sức khỏe tại nơi di cư đến và khám chữa bệnh bằng BHYT là phương thức khám chữa bệnh phổ biến thứ 2 của cả hai giới.
Thực tế cho thấy, tăng cường tiếp cận giáo dục của nữ giới dân tộc thiểu số và việc thúc đẩy bình đẳng giới nói chung đã góp phần quan trọng để mở rộng cơ hội di cư và việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc tăng khả năng tiếp cận internet và thông tin việc làm trực tuyến cũng tạo thuận lợi hơn cho những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa tiếp cận với thị trường việc làm tại các thành phố lớn.
Điều đáng mừng lớn nhất trong Báo cáo này là nhận thức của giới trẻ dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ trẻ trong quyết định di cư để tìm việc làm đã có sự chuyển động. Khi họ ý thức được quyền năng kinh tế thì những yếu tố khác liên quan đến bình đẳng giới sẽ được cải thiện. Từ góc độ này, di cư nội địa cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các chương trình phát triển của Chính phủ ở các vùng dân tộc thiểu số.
Để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình di cư nội địa thì việc đào tạo cho người dân tộc thiểu số trước khi di cư đóng một vai trò hết sức quan trọng. Các chương trình này có thể được lồng ghép vào nhiều dự án liên quan đến đào tạo việc làm, định hướng nghề nghiệp; sử dụng tiếng Kinh thuần thục; thông tin về nơi ở an toàn, việc làm chất lượng, và di cư an toàn nói chung.
Trong dài hạn, cần có chiến lược giáo dục và đào tạo nghề hướng đến mở rộng triển vọng nghề nghiệp cho người trẻ dân tộc thiểu số. Những chiến lược này có thể giúp họ hướng đến những mục tiêu nghề nghiệp cao hơn so với công việc nhà máy chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT với điều kiện lao động vất vả, nguy hiểm, hay lao động tự do bấp bênh, thu nhập thấp và không được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội.